Không chỉ nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi môi trường ô nhiễm, phụ nữ còn có sức ảnh hưởng lớn tới việc hình thành ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của trẻ nhỏ và các thành viên của gia đình trong việc bảo vệ môi trường. Nhận thức rõ điều này nên Hội Phụ nữ các địa phương xây dựng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Như tại tỉnh Gia Lai, đó là mô hình “Phụ nữ 5 không 3 sạch”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh”…. Phong trào, hoạt động nào cũng được hội viên nhiệt tình hưởng ứng.

Tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 100 nghìn lượt hội viên tham gia tổng dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, khơi thông dòng chảy, trồng gần 50.000 cây xanh… Chị Hồ Thị Đào, ở xã Ia Kla, huyện Đức Cơ cho biết trước đây, chị cũng như phần lớn đồng bào trên địa bàn thường xả rác ở bất cứ chỗ nào mà không nghĩ đến tác hại của nó. Còn nay thì đã khác. Rác được thu gom tập trung về nơi đảm bảo an toàn và được tiêu hủy định kỳ. Một số hộ còn phân loại, thậm chí biết cách xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh. “Ở nông thôn chưa có xe thu gom rác như ở các đô thị, chúng em thường tổ chức đốt rác sau khi gom đầy tại nơi chứa. Riêng với rác hữu cơ, một số chị em có vườn đã biết cách ủ để làm phân hữu cơ để bón cho cây”, chị Đào chia sẻ.

Từ các phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ, tại tỉnh Gia Lai còn hình thành những câu lạc bộ về môi trường như “CLB Biến rác thành tiền”, “CLB tái chế rác”… Chị Dương Thị Tâm Tình, ở huyện Đức Cơ cho biết hoạt động chính của những mô hình này là hội viên thực hành phân loại rác tại nguồn, xử lý rác đúng cách và tuyên truyền để người thân cùng thực hiện. Kể từ khi tham gia vào CLB, bản thân chị đã thay đổi thói quen trong việc xả rác, từ đó lan tỏa lối sống “xanh, sạch” tới bà con trong khu dân cư. “Từ hoạt động phát dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom, tiêu hủy rác thải của chị em phụ nữ, giờ đây nhiều người có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nguồn, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng”, chị Tình tự hào.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, các cấp hội phụ nữ cũng phát động các phong trào, đóng góp nhiều mô hình, sáng kiến trong việc bảo vệ môi trường… Có thể kể đến là các mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ”, “Đổi rác thải lấy quà tặng” “Chi hội 5 không, 3 sạch”, CLB “Nói không với rác thải nhựa”… Chị Đoàn Thị Tuyết Hương, ở phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi cho biết, từ hoạt động của các mô hình này, phần lớn chị em phụ nữ và người dân đã thay đổi ý thức và hành động trong việc xử lý rác thải. Rác thay vì bị vứt bừa bãi ra đường đã được phân loại và thu gom. Tại một số chi hội, chị em phụ nữ còn xây dựng mô hình “tổ phụ nữ sử dụng túi nilon thông minh”. Sau mỗi buổi chợ, chị em thu gom và phân loại túi nilon. Những túi lành lặn đựng đồ khô, rau, củ, quả… sẽ được giặt sạch, phơi khô để tái sử dụng. Tham gia mô hình này, chị Hương chia sẻ: “Chị em chúng tôi thu gom để gia đình tái sử dụng, nếu không hết thì đem cho những người bán hàng. Việc làm này không chỉ giúp hạn chế rác tại gia đình mình, rác tại cộng đồng mà đem lại niềm vui cho người khác”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một trong những thành viên sáng lập mô hình này tại phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây, tại một số điểm, rác thải từng chất thành đống, túi nilon vương vãi khắp nơi. Đến nay, thay vào đó là cảnh quan xanh, sạch. Đó là kết quả rất đáng mừng nhưng theo chị, vui hơn cả là sự thay đổi trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ về cách ứng xử với rác thải. “Sử dụng túi nilon thông minh tức túi được sử dụng lại 2-3 lần thay vi 1 lần rồi bỏ đi. Trong gia đình, khi mẹ thực hành như vậy thì giờ con, cháu cũng làm theo. Bằng cách này chị em phụ nữ chúng tôi đã hạn chế được một lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường”, chị Thanh chia sẻ.

Cứ như vậy, thông qua các phong trào, hoạt động của hội phụ nữ các cấp, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế rác thải sinh hoạt nói riêng được triển khai. Thông qua đó, chị em phụ nữ ở các địa phương góp phần tích cực làm cho môi trường ngày càng sạch và xanh hơn.

Nghe bài viết dưới đây: