Dân gian ta có câu “trai 30 tuổi đương xoan, gái 30 tuổi đã toan về già”. Ngày nay, phụ nữ Châu Á nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, nên việc chị em lấy chồng ở tuổi “toan về già” không phải là chuyện hiếm.

Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây là dấu hiệu đáng mừng của một xã hội văn minh khi nhận thức về vai trò của nữ giới ngày một thay đổi. Việc con gái phải lấy chồng sớm hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã quá lỗi thời. Phụ nữ hiện nay có trình độ ngày càng cao, đảm nhận được nhiều việc khiến cánh nam giới cũng phải nể phục.

Phụ nữ ngày càng độc lập và tư tưởng của họ về hôn nhân cũng cởi mở hơn rất nhiều. Hơn nữa, khi kết hôn muộn cũng có thể là lợi thế như sẽ giúp chị em có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt: ổn định về kinh tế, có kinh nghiệm ứng xử, kỹ năng sống, kinh nghiệm gìn giữ hôn nhân sẽ giúp cuộc sống hôn nhân đảm bảo hơn.

Tuy nhiên, theo nhà văn, nhà báo Phong Điệp, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, phụ nữ kết hôn khi tuổi đã “toan về già” cũng phải đối mặt với không ít những vấn đề phiền toái chẳng dễ chịu chút nào.

Kết hôn muộn cũng đồng nghĩa với việc chị em sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực “tra tấn tinh thần” từ gia đình, bạn bè và xã hội. Bởi có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận là khi phụ nữ ngoài 30 mà chưa kết hôn thường hay nhận được những cái nhìn khắt khe, xét nét hơn từ cả gia đình và cộng đồng. Hàng ngày chúng ta có thể bắt gặp những câu nói đại loại như “gái 30 mà lấy được chồng như thế là tốt rồi”, thậm chí bị nghi ngại về mặt đạo đức, nhân cách. Phải chăng lấy chống muộn là hạ thấp giá trị của người phụ nữ?

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, khi phụ nữ sinh con muộn cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ như khó có thai, khó sinh nở và những vấn đề về sức khỏe thai nghén. Đặc biệt, nếu sinh con ở độ tuổi ngoài 35, thì khả năng sảy thai, đẻ non... con sinh ra mắc các bệnh nguy hiểm như Down... càng lớn.

Đây thực sự là một mối lo ngại đối với xã hội hiện nay khi trào lưu kết hôn muộn vì mải theo đuổi sự nghiệp hoặc sống theo chủ nghĩa cá nhân đang ngày càng gia tăng.

“Phụ nữ trước hết hãy hiểu và yêu mình, bởi nếu mình không biết yêu bản thân, yêu cuộc sống mà kết hôn vì dư luận, vì áp lực vô hình từ phía bên ngoài thì rất có thể sẽ hủy hoại cuộc sống riêng tư của chính mình”- nhà văn Phong Điệp nhấn mạnh.

Kết hôn là việc trọng đại không chỉ với riêng cá nhân người trong cuộc mà còn là trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội. Thế nên, nhà văn Phong Điệp cho rằng tuyệt đối không nên vì những áp lực vô hình mà “kết hôn đại đại cho xong”. Kết hôn sớm hay muộn không phải là điều quá quan trọng. Quan trọng là chị em cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân của mình.