Vì sao có người thất bại nhiều lần trong chuyển phôi?
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là kỹ thuật dùng tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ để thụ tinh trong phòng thí nghiệm, tạo thành phôi. Sau đó, phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung của người vợ để bắt đầu một thai kỳ.
Đây là một kỹ thuật hiện đại mang lại cơ hội mang thai với các cặp vợ chồng hiếm muộn. Cơ hội là có nhưng có những trường hợp thất bại trong nhiều lần chuyển phôi.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cả hai lần chuyển phôi đều thất bại. Chị chia sẻ, lần thất bại đầu tiên là do chị không có kinh nghiệm. Khi khám thai bác sỹ không phát hiện chị bị tử cung thấp. Đáng lý sau 2 tuần phải khám lại nhưng vì vướng vào nghỉ Tết, bẵng đi 1 tháng không đi khám, chị đã không kịp phát hiện tình trạng của mình. Khi đến viện cấp cứu thì hai cái thai vì thế đã không giữ được nữa.
5 năm mong con, chị Hồng không dễ dàng bỏ cuộc. Lần thứ 2 thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, hai vợ chồng không nề hà bỏ công bỏ việc, dành dụm tiền bạc lại tiếp tục nỗ lực. Toàn bộ quá trình diễn ra thuận lợi, cho đến khi phôi thai ở trong buồng tử cung 6 tuần thì không giữ được nữa.
Lần này, bác sỹ xác định không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đưa ra khả năng có thể phôi thai chưa thực sự hoàn hảo nên tự đào thải. Còn với chị, lần thất bại này như có dự cảm vì chị cảm thấy cơ thể rất mệt mỏi, tâm lý bồn chồn lo lắng không yên.
Trường hợp thất bại trong thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF không phải là hiếm và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có 3 nhóm nguyên nhân chính:
- Nguyên nhân phôi thai
Phôi thai được kết hợp từ trứng và tinh trùng. Nếu một trong hai nhân tố này có chất lượng kém thì sẽ tạo ra một phôi thai “yếu từ trong trứng”. Khi đó, thất bại sau chuyển phôi là điều dễ hiểu.
Chất lượng phôi thai được đánh giá trong quá trình nuôi cấy. Khi đó, bác sĩ sẽ quan sát tiến trình phát triển của phôi và đánh giá chất lượng khi phôi được 3 và 5 ngày tuổi.
Đối với phôi 3 ngày tuổi: bác sĩ sẽ dựa trên tiêu chí số lượng, kích thước tế bào và sự phân mảnh của phôi để đánh giá phôi tốt hay không. Phôi loại 1 là phôi tốt nhất, khả năng thành công cao. Phôi loại 2 là trung bình, loại 3 là kém, tỷ lệ thành công thấp.
Đối với phôi 5 ngày tuổi: tiêu chí đánh giá là độ lớn của xoang phôi nang. Phôi tốt sẽ có xoang lớn hơn so với các phôi khác (ở cùng thời điểm đánh giá). Ngoài ra còn có số lượng, chất lượng tế bào trong các phần khác nhau của phôi. Những phôi tốt là phôi có nhiều tế bào, nén chặt và không bị phân mảnh.
Dựa vào kết quả phân tích chất lượng phôi, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận phôi có đủ chất lượng để tiến hành chuyển phôi hay không. Nếu phôi có chất lượng kém thì chu trình IVF sẽ tạm hoãn để chờ phôi tốt.
- Bất thường niêm mạc tử cung
Niêm mạc tử cung là lớp mỏng bao quanh bề mặt phía bên trong lòng tử cung, có vai trò quan trọng đối với quá trình thụ thai và sẽ thay đổi kích thước (dày lên hoặc mỏng đi) vào từng thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ.
Niêm mạc tử cung quá dày hay quá mỏng đều có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ thai. Độ dày 8-13mm của niêm mạc tử cung được xem là lý tưởng cho việc thụ thai. Nếu niêm mạc tử cung tại thời điểm chuyển phôi có độ dày < 7mm thì tỷ lệ thất bại sẽ cao hơn.
Ngoài kích thước, một số yếu tố làm giảm khả năng tiếp nhận của niêm mạc tử cung bao gồm:
Tình trạng viêm niêm mạc tử cung mãn tính
Những bất thường trong buồng tử cung, chẳng hạn như polyp, vách ngăn tử cung hoặc dính buồng tử cung
Quá trình chuyển phôi xảy ra sớm (trước thời gian làm tổ) hoặc muộn (sau thời gian làm tổ).
- Bất thường tương tác phôi – niêm mạc tử cung
Có các bệnh nhân, mặc dù có phôi chất lượng tốt, niêm mạc tử cung hình thái đẹp trên siêu âm, đã khảo sát qua nội soi buồng tử cung bình thường, tuy nhiên vẫn không đậu thai sau chuyển phôi. Vấn đề có thể nằm ở bất thường tương tác phôi – niêm mạc tử cung. Một khía cạnh nhỏ trong bất thường này là lệch cửa sổ làm tổ.
Quá trình này có thể giải thích đơn giản như sau: để phôi thai bám và phát triển trong buồng tử cung thì phôi phải được chuyển vào tử cung ở giai đoạn niêm mạc tử cung có khả năng tiếp nhận phôi. Giai đoạn này có thể khác nhau ở từng bệnh nhân.
Làm gì để tăng hiệu quả chuyển phôi?
Theo BSCKII Phạm Thúy Nga, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản – Nam học (BV Phụ sản HN), có nhiều yếu tố chi phối sự thành công của một ca thụ tinh trong ống nghiệm. Bởi IVF là một dây chuyện các kỹ thuật từ nhỏ nhất đến tinh xảo nhất.
Đầu tiên, phải có một phác đồ chuẩn cho bệnh nhân, rồi việc tiêm cũng phải chính xác: tiêm đúng giờ, đúng liều. Trong chu trình kích trứng thì kỹ thuật chọc trứng cũng rất quan trọng, phải là những bác sỹ có tay nghề tốt để không làm mất đi cái noãn, đáng lẽ lấy ra được thì nó lại rơi vào ổ bụng.
Đội ngũ trong phòng thí nghiệm cũng phải hết sức dày dặn kinh nghiệm, thao tác chuẩn chỉ. Từ kỹ thuật: nhặt trứng, tạo phôi, nuôi phôi, hỗ trợ làm tổ, hỗ trợ thoát màng, thậm chí có những chỉ định phải sàng lọc phôi thì phải sinh thiết một số tế bào trong cái phôi đó. Đây đều là những kỹ thuật tinh xảo nhiều năm mới thuần thục được.
Sau khi tạo phôi, nuôi phôi được thì tủ nuôi cấy, kỹ thuật chuyển phôi phải thế nào để không gây ra chảy máu tràn vào buồng tử cung. Điều này sẽ khiến tỉ lệ có thai thấp.
Có thể nói, trong quá trình làm IVF không được coi nhẹ khâu nào.
Bác sỹ Phạm Thúy Nga cũng nhấn mạnh đến yếu tốt người bệnh. Đó là phải tuân thủ đúng dặn dò của bác sỹ.
"Nhiều trường hợp bác sỹ cho mang thuốc về, ví dụ bảo tiêm liều 300 họ chỉ tiêm liều 200 thôi. Thậm chí liều đúng rồi nhưng mà đáng lẽ tiêm sáng thì chiều mới tiêm. Vậy là không ổn rồi. Tiêm phải đúng giờ, chỉ được xê dịch một chút thôi", bác sỹ Nga nhấn mạnh.
Bác sỹ cũng nêu thực tế, các bệnh nhân khi đến lịch hẹn của bác sỹ thì phải đến vì trong qúa trình kích trứng bác sỹ cần phải có theo dõi sự phát triển để điều chỉnh phác đồ có thêm thuốc hay giảm thuốc. Hoặc là chỉ định noãn tốt rồi cần đến để bác sỹ tiêm thuốc trưởng thành noãn, hoàn thành những bước cuối cùng của noãn trước khi chọc trứng ra. Nhưng nếu không đến để ngày hôm sau thì cái noãn đó không còn là tốt nhất nữa.
Ngoài ra, về phía người chồng, bác sỹ Phạm Thúy Nga cũng chỉ dẫn: cần uống thuốc theo đơn bác sỹ trong giai đoạn vợ chọc tứng, hoặc tuân thủ việc không uống rượu bia, sử dụng thuốc lá, không thức đêm, hạn chế sức dụng điện thoại máy tính. Bởi muốn có phôi tốt thì tinh trùng phải khỏe, nếu không tuân thủ thì sẽ khiến toàn bộ chu trình phía sau bất ổn.
Một yếu tố cũng chi phối hiệu quả thành công của IVF đó là tuổi tác. Độ tuổi sinh sản của người phụ nữ có giới hạn, sau 30 tuổi số lượng noãn đã bắt đầu giảm đi và sau 35 tuổi giảm một cách nhanh chóng.
"Các cặp vợi chồng sau 1 năm quan hệ bình thường mà không có thai thì nên nghiêm túc đến các cơ sở chuyên khoa để khám. Chỉ sau 1-2 lần khám là đã có thể xác định được nguyên nhân. Còn người trên 35 tuổi thì đừng đợi đến 1 năm, thời gian hiếm muộn quy định là 6 tháng", bác sỹ Nga hướng dẫn.
Xin mời nghe bài viết tại đây: