Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, đối thoại "Phụ nữ và thanh niên tích cực dẫn đầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người” nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi và nâng cao tiếng nói của những người trẻ trong phòng, chống mua bán người và di cư lao động. Đây là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2024 với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, góp phần cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn mua, bán người.

"Hội LHPN Việt Nam xác định sinh viên, học sinh vừa là đối tượng nhắm đến của loại tội phạm mua bán người, đồng thời vừa là lực lượng tích cực dẫn đầu trong công tác này. Vì vậy, thông qua hình thức đối thoại giữa thanh thiếu niên và đại diện một số đơn vị chức năng, sẽ không chỉ cung cấp thêm kiến thức về thực trạng cũng như những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, mạng Internet. Ngoài ra, còn đưa ra được những giải pháp tiếp tục phát huy mạnh mẽ, đồng bộ sức mạnh và sự lan tỏa của không gian mạng vào việc phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn.

Với sức trẻ, nhiệt huyết và vốn kiến thức được bồi đắp qua những hoạt động, sự kiện truyền thông, các em thanh thiếu niên chắc chắn sẽ đóng góp một phần to lớn tạo nên cuộc sống bình yên, an toàn và lành mạnh cho chính các em và toàn xã hội.

Theo số liệu thống kế từ Tập đoàn Dữ liệu Chống buôn người, số vụ mua bán người trên toàn cầu năm 2023 là hơn 156.000 vụ, diễn ra ở 189 nước với nạn nhân từ 187 quốc tịch khác nhau.

Báo cáo Toàn cầu về Mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết: cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới, có 1 nạn nhân là trẻ em.

Trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán. Trẻ em là nạn nhân của mua bán người phải đối mặt với tình trạng lạm dụng kinh hoàng, ép buộc lao động, bị bán làm vợ, phải tham gia các cuộc xung đột hoặc các hoạt động phi pháp.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; 48 vụ mua bán trẻ em với 121 nạn nhân.

Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang mang lại nhiều tiện ích nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, trong đó có trẻ em trên môi trường không gian mạng. Các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em có nguy cơ trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới.

Thượng tá Đinh Văn Trình - Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết: "Tội phạm mua bán người triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn. Bên cạnh đó, tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân... để lừa bán phụ nữ, trẻ em", Thượng tá Đinh Văn Trình nêu thực tế.

Chia sẻ tại đối thoại, Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng - Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết: "Đối tượng hoạt động tội phạm mua bán người rất đa dạng, phức tạp, chúng cấu kết thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng. Thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước kia, hiện nay, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân và đưa ra nhiều chiêu trò khiến các nạn nhân dễ dàng “mắc bẫy”. Do đó, người dùng mạng phải thật cảnh giác, kiểm chứng kỹ nguồn thông tin để tránh trở thành nạn nhân của bọn buôn người"

Tại Đối thoại, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ của các nhóm học sinh, sinh viên đạt giải cao trong cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam (Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc) và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức. Nhiều sáng kiến hay truyền tải thông điệp rõ ràng, mang tính thực tiễn cao được giới thiệu cho thấy sự chủ động và hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến mua bán người và khuyến khích cộng đồng lựa chọn di cư an toàn: Ba lô di cư; Ngày hội "Hộ chiếu di cư an toàn"...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tiếp nhận thông tin và giải cứu 11 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán, đã đưa về nước an toàn 9 trường hợp.

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận 780 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện hỗ trợ cho 30 người có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân của mua bán người, trong đó, có 15 nạn nhân là nam, 15 nạn nhân là nữ; 29 nạn nhân là người dân tộc Kinh, 1 nạn nhân là người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ tại Đối thoại, Ngài Iain Frew, Đai sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng: "Tất cả mọi người đều là những người có thể tạo ra được sự thay đổi, đừng ngại ngần nói lên tiếng nói của mình, cũng đừng đặt câu hỏi bởi chính các bạn mới là những người có thể thay đổi tương lai và bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và chống lại nạn mua bán người thông qua nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, truy tố tội phạm và bảo vệ những người dễ bị tổn thương".

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; các thỏa thuận của ASEAN, ký kết Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hoàn thiện khung pháp lý, gần đây nhất là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người 2011. Đồng thời tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người, tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống mua bán người, về bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em.