Đối tượng Đỗ Minh Toản (sinh năm 1985, trú tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là “cò” khai báo Hải quan nhập khẩu tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Theo một số nguồn tin, khoảng tháng 07/2019, Toản được một người thuê làm thủ tục kê khai hải quan nhập khẩu các lô hàng từ Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) về Việt Nam.

Đỗ Minh Toản đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng thủ tục mở tờ khai hải quan theo loại hình E21 – là loại hình nhập nguyên liệu để gia công, được phân vào luồng Xanh – luồng miễn kiểm tra, để cất giấu toàn bộ số sừng tê giác trên nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Từ nguồn tin và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Đội Kiểm soát Hải quan TP. Hà Nội và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 55 khúc sừng tê giác với tổng khối lượng 126,5kg trong số hàng trên.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác (không phân biệt loài tê giác) có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS) hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP tùy theo khối lượng tang vật là sừng tê giác bị tịch thu và một số yếu tố khác.

Trong vụ án trên, hành vi vận chuyển trái phép sừng tê giác của Đỗ Minh Toản đã đáp ứng đầy đủ dấu hiệu định tội và định khung tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” theo Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt lên đến 15 năm tù giam.

“Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang có một số nhận định thiếu tích cực về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam, bản án này với hình phạt cao nhất từng được áp dụng với một đối tượng tội phạm về động vật hoang dã - là một minh chứng rõ ràng cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đang ngày càng đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của tội phạm về động vật hoang dã và từ đó áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, có ý nghĩa răn đe với các đối tượng đang và có ý định phạm tội, trục lợi từ việc buôn bán, vận chuyến trái phép các loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.” bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) nhận định.

Theo thống kê của ENV, từ năm 2017 đến nay, ENV ghi nhận 317 vụ việc vi phạm liên quan đến sừng tê giác; trong số đó, có 31 vụ án hình sự; bắt giữ và khởi tố thành công 24 đối tượng với mức phạt tù trung bình dành cho các đối tượng là 5,71 năm tù.

“Điều đáng tiếc trong vụ án này là các cơ quan chức năng chưa thể chứng minh được sự tham gia của các đối tượng đã “thuê” Đỗ Minh Toản thực hiện các thủ tục hải quan – những đối tượng đáng ra phải chịu trách nhiệm chính cho hoạt động vận chuyển sừng tê giác trái phép trong vụ án này" - bà Hà cho biết thêm.

Với lợi nhuận đặc biệt lớn từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã, hiện nay đã hình thành nên những đường dây tội phạm xuyên quốc gia do người Việt Nam cầm đầu chuyên thu gom, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái phép, không chỉ đẩy các quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới đến nguy cơ tuyệt chủng mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.