Sáng 29/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12) và Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác người khuyết tật, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao đối với người khuyết tật.

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên và là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, trong đó khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi cho biết: Những năm qua Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; phát huy khả năng, tích cực của họ tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội.

Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất. Hiện số người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng.

Đến nay số người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt trên 1,6 triệu người. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng cho người khuyết tật. 20 tỉnh/thành phố thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường. Hàng năm, có khoảng 19 nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm. Trên 20 ngàn lượt người khuyết tật được giới thiệu việc làm, với tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Khoảng 40 ngàn người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi…Các chính sách khác như: Miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật.

Trong những năm qua, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Trong lĩnh vực thể thao, hiện nay có 35 tỉnh/thành phố tổ chức phong trào thể thao dành cho người khuyết tật với nhiều môn thể thao phù hợp; các giải thi đấu thể thao thường xuyên có từ 1.000-1.500 vận động viên khuyết tật tham gia; tuyển chọn những vận động viên khuyết tật có thành tích xuất sắc tập huấn đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị các giải thi đấu quốc tế. Có nhiều vận động viên đã đạt được những thành tích xuất sắc tiêu biểu như vận động viên cử tạ Lê Văn Công, vận động viên môn bơi Lê Tiến Đạt và Vi Thị Hằng…

“Phong trào thể thao của người khuyết tật đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều tài năng, nâng cao thành tích thể thao của nước nhà. Nhiều huấn luyện viên và vận động viên thể thao người khuyết tật được trao tặng các phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ do đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thể thao người khuyết tật châu lục và thế giới”, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác trợ giúp người khuyết tật, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ cơ bản, sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Trong những năm tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, Luật người khuyết tật, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện pháp luật về người khuyết tật; nhất là cơ chế, chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý, công nghệ thông tin và truyền thông. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật.

Tại lễ kỷ niệm, Ban tổ chức đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho 22 huấn luyện viên, vận động viên thể thao là người khuyết tật và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phỉ cho 11 huấn luận viên, vận động viên có thành tích xuất sắc, đã nỗ lực luyện tập, thi đấu và mang vinh quang về cho Tổ quốc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12 tại Campuchia).