Theo TS Phạm Hải Chung, Giảng viên chuyên ngành Truyền thông Đại học Anh quốc Việt Nam, số lượng người dùng internet gia tăng mỗi ngày và trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… không khó để tìm thấy các thông tin quảng cáo với nhiều hình thức. Tuy nhiên, bất chấp quy định của chính sách kiểm duyệt, trên các nền tảng mạng xã hội vẫn tràn lan các thông tin quảng cáo bẩn, độc hại, vi phạm bản quyền, thông tin giả, nhạy cảm về mặt chính trị... bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. "Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã khiến cho các phương pháp quảng cáo và truyền tải thông tin ngày càng phức tạp, dẫn tới việc chúng ta rất khó để kiểm soát và điều chỉnh các chính sách kịp thời. Thứ hai là do các lợi ích kinh tế từ quảng cáo đã khiến cho một số các nhà quảng cáo và một số các nhóm cá nhân lợi dụng điều này để chạy quảng cáo không lành mạnh và bất chấp các quy định chỉ vì lợi nhuận cao".
Quảng cáo "rác" không chỉ phổ biến trên Facebook mà đang có xu hướng lan rộng sang các nền tảng khác như YouTube, Instagram, TikTok. Bởi lẽ, các nền tảng này đều có chế độ chia sẻ nội dung, liên kết tương đối dễ dàng. Kẻ xấu đã lợi dụng điều này để tăng tương tác cho quảng cáo "rác", quảng cáo sai sự thật trên nhiều nền tảng cùng lúc. Đáng nói hơn, ngay cả khi người dùng Facebook đã lựa chọn ẩn bớt các chủ đề quảng cáo không phù hợp, yêu cầu Facebook không dùng thông tin cá nhân để hiển thị quảng cáo, báo cáo trường hợp quảng cáo vi phạm... thì tình trạng này vẫn tái diễn.
"Chúng ta thấy là việc kiểm soát nội dung xuyên quốc gia gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi một quốc gia thì có những quy định kiểm duyệt khác nhau nhưng chúng ta đều biết mạng xã hội là nền tảng phạm vi hoạt động trên toàn cầu nên điều này sẽ rất khó khi mà chúng ta áp dụng các chính sách kiểm duyệt đồng nhất", TS Phạm Hải Chung phân tích.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng loạn quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin để cho người dùng nâng cao nhận thức về việc nhận diện và báo cáo lại những quảng cáo rác, quảng cáo bất hợp pháp. Về phía các cơ quan nhà nước cũng cần phải xây dựng và ban hành các quy định, các chính sách rõ ràng hơn nữa; các nhà cung cấp nền tảng phải chịu trách nhiệm kiểm soát các nội dung quảng cáo trước khi phát hành.
"Thêm vào đó việc tạo lập một hệ thống giám sát tự động kết hợp với sự can thiệp của con người để kiểm tra và phát hiện ra nội dung quảng cáo không phù hợp cũng rất quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, các tổ chức quốc tế và các nền tảng công nghệ lớn để bảo đảm các quy định của Việt Nam, bao gồm cả việc hỗ trợ lẫn nhau trong việc ngăn chặn, quản lý và xử lý các quảng cáo không đúng quy định".
Theo báo cáo của We Are Social, tại Việt Nam, lượng người xem quảng cáo trên Facebook chiếm 67,2% tổng dân số quốc gia, trong khi đó lượng người xem quảng cáo trên YouTube chiếm 63,9% tổng dân số.
Sự phát triển của thương mại điện tử cũng góp phần vào quá trình tăng trưởng nhanh chóng của thị trường quảng cáo trên mạng xã hội bởi người dùng mạng xã hội không cần phải trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị, cơ sở cung cấp dịch vụ để mua hàng mà có thể giao dịch nhanh chóng trên các nền tảng này.
Những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây) được kỳ vọng sẽ lấp được khoảng trống pháp lý cũng như điều chỉnh kịp thời những vấn đề đã và đang phát sinh trong các hoạt động quảng cáo ở nước ta hiện nay.
"Tôi cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ tạo ra những cơ chế cần thiết để tạo ra môi trường quảng cáo trên mạng không những không ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn mang lại quyền lợi kinh tế cho doanh nghiệp và các chính sách quản lý của Nhà nước. Với các nền tảng mạng xã hội xuyên quốc gia, cần phải có sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý làm việc đối với các nhà cung cấp nền tảng để họ có thể đưa ra một không gian, một môi trường cho người dùng ở mỗi một địa phương phù hợp khác nhau" - TS Phạm Hải Chung nêu quan điểm.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng bằng giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, mạnh tay trong xử lý, hy vọng thời gian tới những vi phạm trong quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới sẽ được siết chặt hơn nữa, không còn “lỗ hổng” để kẻ xấu lợi dụng đe dọa an ninh, an toàn trên không gian mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân người dùng mạng xã hội. Qua đó cũng góp phần bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và TS Phạm Hải Chung tại đây: