Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Vì thế, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới là điều kiện tiên quyết để phụ nữ khẳng định mình.

Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn các hành vi phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, cần tiếp tục tăng cường tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ, nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như thêm cơ hội được học tập, lao động...Chính vì thế, thời gian quả tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường hơn nữa công tác truyền thông thay đổi hành vi để nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới và xóa bỏ phân biệt đối xử về giới.

Quảng Ninh hiện có 664.000 người lao động, trong đó có 301.700 lao động nữ, chiếm đến 45,44%. Tại các khu công nghiệp trong tỉnh, lực lượng lao động nữ chiếm đa số, tới 61,4%. Thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đạt 17/22 chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhiều mô hình CLB về bình đẳng giới, ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh đã được thành lập và phát huy hiệu quả trong công tác thực hiện bình đẳng giới.

Bằng các chính sách và hành động cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới. Hàng trăm mô hình ứng phó với nguy cơ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đã và đang được nhân lên, trên địa bàn toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 33 mô hình bình đẳng giới, thành lập 110 mô hình CLB hôn nhân gia đình và bình đẳng giới. Đây là những kết quả, là sự chung tay của toàn xã hội để hướng tới sự bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội.