Sáng nay (18/1), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có 1 phiên cho ý kiến về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.

Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

“Lấy dân là trung tâm”

Trong lần sửa luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường. Điều này nhằm đảm bảo người dân sẽ không bị thiệt.

Hơn nữa, có những phương án bố trí tái định cư đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân. Không để người dân bị dồn vào thế khó, tránh tuyệt đối tâm lý “bị cưỡng chế, cưỡng đoạt”. Đây được coi là sự ghi nhận của Nhà nước đối với người dân có đóng góp cho lợi ích chung của địa phương, khu vực và đất nước. Trong mọi trường hợp đều được đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp.

Bên cạnh đó, thay vì người dân phải khó khăn, vất vả để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì trong luật mới, trách nhiệm này thuộc về Nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải cấp Giấy chứng nhận cho người dân thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận.

Ngăn chặn tình trạng gom đất, gây sốt đất ảo

Dự thảo luật đã bỏ khung giá đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quy định nguyên tắc định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất, bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất… Đây được xem là một yếu tố góp phần giúp giá bất động sản dần tiệm cận với giá trị thực cũng như tạo cơ hội công bằng và bình đẳng cho tất cả các bên liên quan.

Những nội dung sửa đổi trong luật lần này cũng giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với đất đai, góp phần tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thông qua các hình thức đấu giá cũng như ngăn chặn được tình trạng sốt đất ảo.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần nghị quyết 18, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. 432/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), 20 đại biểu không tán thành và 25 đại biểu không biểu quyết. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định tại luật.