Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về xin lỗi đảng viên bị kỷ luật oan sai được đặt ra một cách cụ thể, kể cả việc xem xét trách nhiệm với người gây ra kỷ luật oan. Ngay sau khi ban hành, Quy định này nhanh chóng được hầu hết cán bộ, đảng viên quan tâm và cho rằng đây là việc làm cần thiết.

Đây là quy định đầu tiên bằng văn bản của Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Quy định gồm 4 chương, 15 điều, đề cập cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi… cũng như những trường hợp bị oan thật nhưng không được xin lỗi, phục hồi quyền lợi.

Theo đó, căn cứ để xác định một đảng viên hoặc tổ chức đảng bị oan gồm: Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.

Về nguyên tắc, việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan. Giải quyết oan phải triệt để. Kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên.

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, PGS.TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thực tế cuộc sống chắc chắn không thể nào tránh khỏi được sai sót.

“Trong quá trình tổ chức và hoạt động của Đảng nói chung, trong công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng nói riêng chắc chắn cũng có những trường hợp xảy ra oan sai, cho nên phải làm sao để khắc phục được các kết luận oan sai, đấy mới là cái cốt của vấn đề”, TS Cường khẳng định. Ông cũng cho rằng, qua những vấp váp, những khuyết điểm đó phải rút ra được bài học kinh nghiệm, biết thừa nhận khuyết điểm để đề ra các biện pháp khắc phục, có như vậy mới làm cho Đảng ngày càng mạnh lên.

Nhìn lại lịch sử, ông Cường lấy ví dụ về những sai lầm trong câu chuyện cải cách ruộng đất. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và tiến hành sửa sai. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy khăn lau nước mắt thực sự rất đáng nhớ, đáng quý, và vô cùng xúc động. Đó là lời xin lỗi chân thành, được thốt lên từ trái tim của một người suốt cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, một lòng vì nước, vì dân.

Sau này trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" bác đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. “Xin lỗi” tức nhận thấy cái sai của mình”.

Bởi vậy theo TS Cường, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là vô cùng cần thiết, thể hiện rõ nét đẹp nhân văn của Đảng. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch, công khai hơn thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên.

“Xin lỗi sẽ giúp cho những người không may bị rơi vào tình trạng oan sai cảm thấy nhẹ lòng và nhân dân nhìn vào cũng thấy được sự thành tâm, thành ý của tổ chức đảng, nên đây là một quy định mà tôi cho là rất phù hợp”- TS Cường khẳng định.

Tuy nhiên, trên thực tế, PGS.TS Lê Văn Cường cho rằng, có những thứ xin lỗi được, phục hồi được, nhưng có những cái không thể xin lỗi, không thể phục hồi được. Bởi khi nhân cách, sự nghiệp chính trị của mỗi con người đã chà đạp sẽ không gì có thể cữu vãn nổi. Thậm chí nhiều người đã mất trước khi nhận được lời xin lỗi.

Chính vì thế, theo TS Cường, việc xin lỗi là cần thiết nhưng một điều quan trọng nữa là phải gắn trách nhiệm, thậm chí là xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định và cá nhân tham mưu kỷ luật.

“Điều này cũng sẽ giúp tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc để không xảy ra oan sai”, ông Cường phân tích.

Trong Quy định 117 lần này, đối tượng áp dụng khá rộng, không chỉ với tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc, mà cả những tổ chức đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời…Ông Cường cho rằng đây là một bước tiến khá lớn, có tính pháp lý cao.

Để Quy định 117 đi vào cuộc sống, theo TS Lê Văn Cường, trước hết cần phải tạo sự thông suốt trong nhận thức. Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện cần phải có sự kiểm tra, giám sát để nơi nào làm tốt thì nhân rộng nơi nào làm chưa tốt kịp thời nhắc nhở, thậm chí kể cả đến mức phải xử lý kỷ luật. TS Cường cũng nhấn mạnh, quá trình tổ chức xin lỗi cần tỏ rõ thái độ cầu thị, cách hành xử văn hoá trong lãnh đạo, quản lý. Làm được như vậy chính là góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.