Trên toàn cầu, 75% lượng nhựa sản xuất ra đang trở thành rác thải. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa tại Việt Nam được hình thành với mục đích giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam thông qua kết nối hợp tác giữa các bên liên quan và đẩy mạnh vai trò của khoa học và đổi mới sáng tạo.

Trung tâm kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa tại Việt Nam là một sáng kiến ​​của Chương trình Aus4Innovation - chương trình hỗ trợ phát triển chính thức được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, quản lý và đồng tài trợ bởi CSIRO - cơ quan khoa học quốc gia của Australia. Chương trình có văn phòng tại Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, và đã đặt quan hệ hợp tác chiến lược với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trung tâm kết nối Đổi mới sáng tạo riảm thiểu nhựa là một phần của chương trình nhiệm vụ chấm dứt rác thải nhựa của Chính phủ Australia giao CSIRO thực hiện với mục tiêu giảm 80% lượng rác nhựa thải ra môi trường vào năm 2030.

Cố vấn CSIRO Đông Nam Á, bà Amelia Fyfield chia sẻ, hợp tác là chìa khóa để giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa toàn cầu. Bà hứa hẹn một sự hợp tác hiệu quả với mục đích có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên phạm vi quốc tế. Bên cạnh đó, bà Amelia Fyfield cũng khẳng định về sự lan tỏa của các hoạt động thiết thực trong thời gian tới. "Trung tâm kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam sẽ tạo ra sự khác biệt bằng cách tập trung vào các sáng kiến đang ở ​​giai đoạn đầu, thiết lập nền tảng và kết nối người tham gia vào mạng lưới hành động chung”, bà Amelia Fyfield thông tin.

Trung tâm kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam sẽ là diễn đàn cho hợp tác giữa các cộng đồng địa phương, chính quyền, doanh nghiệp và các nhà đầu tư để triển khai những dự án hành động cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Trung tâm cũng đóng vai trò mở rộng mạng lưới trong khu vực, kết nối với Trung tâm Kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa In-đô-nê-xi-a đã ra mắt vào tháng 3 năm 2022.

Một nghiên cứu về nhựa ở Việt Nam đã bắt đầu được thực hiện trong khuôn khổ cuộc khảo sát về ô nhiễm nhựa toàn cầu lớn nhất của CSIRO. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định khối lượng và phân loại các loại rác cuối cùng thải ra môi trường. Các hạng mục công việc khác giữa Australia và Việt Nam cũng đã được lên kế hoạch trong những tháng tới, khi Việt Nam nghiên cứu phát triển kho dữ liệu quốc gia và mở rộng các cuộc khảo sát trên hiện trường.

Giám đốc Chương trình Aus4Innovation ông Kim Wimbush cho biết, các giải pháp dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sẽ hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về giải quyết rác thải nhựa và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa trên mặt lợi ích về kinh tế và môi trường. Việc mở rộng hợp tác ra quy mô khu vực cũng sẽ giúp tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới trong việc giảm rác thải nhựa và hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam về giảm 75% lượng rác nhựa thải ra biển vào năm 2030.