Dù đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về quyền lợi lâu dài khi tham gia BHXH, nhưng thời gian qua, việc rút BHXH một lần đã và đang là thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước.

Chị Phạm Thu Hoa nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, chị bị mất việc làm, kinh tế gia đình rơi vào cảnh túng bấn, bởi vậy ngay sau khi nghỉ việc chị đành phải lựa chọn chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Dẫu khoản tiền vài chục triệu đồng được lĩnh sau khi nhận BHXH một lần không nhiều nhưng đủ để giúp trang trải khó khăn trong lúc không công ăn việc làm, không nguồn thu nhập.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, rút BHXH một lần, người lao động tự đánh mất quyền lợi của mình.

“Đóng vào thì nhiều mà lấy ra thì ít. Đóng thì 2,6 tháng lương trong một năm mà lấy thì tối đa 2 tháng, mất 0,6. Nhưng cái mất lớn nhất, đó là mất lương hưu khi về già và mất tiền để lo tử tuất khi chết. Thậm chí còn mất các suất thường cho con khi chưa đủ tuổi 18 hoặc bố mẹ hết tuổi lao động. Và cái mất quan trọng nhất, đó là chúng ta mất đi bản chất của hệ thống an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đang hướng đến là BHXH bảo phủ toàn dân”, ông Bùi Sĩ Lợi khẳng định.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH. Nghĩa là cứ có hai người mới tham gia vào BHXH thì có một người rời khỏi hệ thống.

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cắt giảm lao động. Khi cuộc sống của người lao động khó khăn, không nguồn thu nhập, khả năng tích lũy chưa có buộc họ phải lựa chọn chế độ rút BHXH một lần để chi tiêu trước mắt.

Ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh, thời gian qua những hoạt động truyền thông về chính sách này làm chưa tới. Cần phải tuyên truyền mạnh mẽ để chủ doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm pháp lý, người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. Đặc biệt, cần giải thích để người dân hiểu rằng, tham gia BHXH là phương án có tính chất chiến lược dài hơi hơn, cũng là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài.

Cũng theo ông Thọ, chính sách hưu trí hiện nay còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ. Thực tế, khoảng cách chênh lệch giữa người có mức lương hưu cao nhất và người có mức lương hưu thấp nhất là rất lớn. Đa phần, những người rút bảo hiểm xã hội một lần thường có tiền lương đóng bảo hiểm xã hội rất thấp. Bởi vậy rất cần chia sẻ giữa người có mức lương cao và thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Mới đây, trong Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ ra nhiều bất cập về chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá lâu, dẫn đến số người tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao. Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng: Sau một năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động có thể hưởng BHXH một lần.

Từ thực trạng như vậy, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Cụ thể, sẽ rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.

Ông Vũ Quang Thọ, khẳng định đây là một đề xuất nhân văn, giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lương hưu khi về già, đồng thời khuyến khích người dân tham gia BHXH nhiều hơn. Quan trọng hơn, đó là hiện nay có nhiều người tham gia BHXH muộn, dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH để nhận lương hưu, trong khi họ không còn sức khỏe để lao động và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, nên quy định giảm năm đóng tối thiểu là cần thiết.

Tuy nhiên ông Vũ Quang Thọ cũng lưu ý, quy định hiện hành để được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương đóng BHXH, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm và lao động nam đóng 35 năm. Nếu đóng tối thiểu 20 năm, người lao động được nhận 45%. Còn nếu theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp giảm xuống 15 năm thì mức hưởng tương ứng trên 30% và đóng 10 năm cao lắm trên 20%.

“Rõ ràng là khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, lương hưu vì vậy rất thấp, người nghỉ hưu không thể sống nổi. Do đó, ban soạn thảo cần phải cân nhắc nghiên cứu kỹ để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp”, ông Thọ nói.

Hưu trí là chính sách lâu dài, bền vững và có lợi nhất cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Bởi vậy việc điều chỉnh các quy định hiện hành, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội là cần thiết để vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động vừa đạt được các mục tiêu an sinh xã hội.