Nguyễn Ngọc Bảo Dung sinh năm 1984.

Năm 2006, chị tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM và hiện là hội viên Hội Sân khấu TP.HCM, hội viên Chi hội Tác giả kịch bản sân khấu.

Nguyễn Ngọc Bảo Dung không chỉ là đạo diễn sân khấu mà còn là phóng viên, biên kịch và tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Năm 2017, chị đồng tổ chức dự án “Echo Chamber” với Thomas Harzem, một nghệ sĩ Đức, tại TP.HCM, đồng tổ chức dự án giao lưu văn hóa Việt Nam – Đức “Welcome Center #1 Việt Nam” với Thomas Harzem tại Kuhlhausen, Havelberg, Đức.

“Con tôi kỳ cục vậy đó”

"Khi nó thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu, gia đình cũng không muốn đâu. Cũng có nói với nó là con ơi, con người ta thi vô ĐH Ngoại ngữ, Kinh tế, Ngoại thương… mốt người ta ra trường kiếm được nhiều tiền, còn con thi trường này nghèo lắm. Cháu Dung có nói 300 ngàn con cũng sống được mẹ đừng lo. Con của tôi không quan trọng vấn đề giàu có, vật chất về tiền bạc." - Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, mẹ của chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung cho biết.

Sau hơn chục năm trải qua nhiều công việc như đạo diễn sân khấu, biên kịch, làm báo…, năm 2019, chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung quyết định thực hiện dự án Sân khấu nhỏ Ibsen và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bố mẹ:

"Gia đình rất tôn trọng sự tự do của con cái. Đam mê của nó thì bố mẹ chấp nhận, ủng hộ thôi. Con thích thì con cứ làm, miễn là chuyện con làm có ích cho đời, đừng làm gì sai trái, phạm pháp, quá đáng để người đời chửi mắng, dè bỉu. Con làm gì tốt, có ích cho xã hội thì bố mẹ rất ủng hộ. Gia đình tôn trọng tự do của con cái." - Bà Mỹ nói.

Ông Nguyễn Xuân Cảo, bố của chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung cũng cho rằng Dự án Sân khấu nhỏ Ibsen mà con gái mình đang làm rất ý nghĩa: "Quan trọng nhất để làm được Ibsen là tình cảm yêu thương… bằng cách giải tỏa tâm lý, giúp đỡ về tinh thần. Có nhiều người có những bức xúc không nói ra được. Rồi từ cách của Ibsen là tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, giúp người kia có thể phát biểu ra được. Cháu làm cái đó hay lắm mặc dù không có tiền."

"Nó làm cái này vì ý thích, chí hướng muốn đem niềm vui đến cho mọi người, để mọi người giải tỏa tâm tư, nguyện vọng, khỏi bị stress trong cuộc sống nặng nề, lo âu, chứ nó không có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, đi xe hơi, ở nhà giàu sang. Nó kỳ cục vậy đó. Ý tưởng của nó là như vậy, không có 1 đồng lợi nhuận nó cũng làm nếu nó cảm thấy giúp được cho người. Nó đi làm thiện nguyện, từ thiện cũng như vậy, tánh nó như vậy đó. Nó đơn sơ, mộc mạc lắm, không chưng diện, son phấn lòe loẹt. Nó bình dân, như cục đất vậy đó. Nó lăn lộn làm sao cũng được hết. Còn vấn đề ăn uống thì tí rau nó cũng qua ngày. Nên nó làm là phi lợi nhuận. Cho nên có người thương cho bịch trái cây hay cho cái gì đó thì nhận thôi, chứ thấy không có tiền, nghèo lắm. Gia đình không có kỳ vọng gì hết, sống ngày nào bình an ngày đó là mừng rồi. Còn tương lai thì đâu biết được thế nào. Mình cứ sống bình an thôi, có sức khỏe thì giúp đời, chuyện lớn, chuyện nhỏ trong khả năng của mình. Con cái vui vẻ, hạnh phúc với công chuyện nó làm là được rồi. Nghèo nhưng hạnh phúc là được rồi." - bà Ngọc Mỹ chia sẻ.

Sân khấu nhỏ Ibsen – Giá trị từ những trò chơi nhỏ

Xã hội hiện đại khiến con người quay cuồng với những lo toan, bộn bề cuộc sống, thậm chí nhiều người theo đuổi sự xa hoa phù phiếm bằng cách “đeo mặt nạ” để sống ảo trên các trang mạng xã hội. Trong bối cảnh ấy, Dự án Sân khấu nhỏ Ibsen của chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung là 1 ý tưởng nhân văn khi tạo ra 1 sân chơi - nơi chúng ta có thể giải tỏa căng thẳng, trở về là chính mình. Tuy nhiên với những người chưa từng trực tiếp tham gia thì sẽ thấy khó hiểu là làm sao từ những trò chơi mà có thể làm mọi người trải lòng? Nhà báo Đinh Đức Hoàng, người sáng lập “Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng” (NICE) cũng đã từng phân vân trước khi quyết định giới thiệu Sân khấu nhỏ Ibsen tới cộng đồng.

Đến nay, sau 2 năm hoạt động, Ibsen đã tổ chức được khoảng 160 buổi chơi và dự án, cho khoảng 6.600 người tại Thái Lan và khắp Việt Nam.

Bạn Lương Thành Tuyên - học viên Trung tâm Nâng cao năng lực cho người khuyết tật Nghị Lực Sống chia sẻ: "Trước đây em là người tự ti lắm, không tiếp xúc nhiều. Nhà em thì muốn em làm ra kinh tế nhưng em muốn điều khác cơ. Em muốn đem những hiểu biết của em, trong tầm của em để đưa đến sự tự tin, năng lượng đến cho mọi người giống như cô mang đến. Nếu mà được em cũng muốn nối gót cô đi làm những hoạt động như thế này. Bởi vì đâu phải lúc nào mình cũng có thời gian bày tỏ, là chính mình đâu."

Nói về Dự án Sân khấu nhỏ Ibsen, chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung - người sáng lập dự án cho hay: "Thời này người ta xài điện thoại nhiều quá, xài mạng ảo nhiều quá. Kể cả sống chung 1 nhà cũng chẳng thể nói chuyện với nhau. Con người dễ bị cô độc. Trò chơi tương tác của mình bỏ điện thoại, máy móc sang 1 bên để giao tiếp bình thường. Mỗi lần chơi xong, thấy 1 số người chia sẻ với mình họ thấy vui hơn, nhẹ lòng hơn. Ai nói mình nghe hết, giống như để họ xả ra. Thành công của Ibsen là đã giúp cho các bạn nói ra được, nhận diện cảm xúc của mình 1 cách rõ ràng."

Sân khấu nhỏ Ibsen online

Kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát tại TP. HCM, Sân khấu nhỏ Ibsen không còn tổ chức cho mọi người tập trung chơi trực tiếp nữa mà chuyển hướng sang việc tổ chức online.

Không chỉ tư vấn cho những người trưởng thành, chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung còn tương tác với các em nhỏ qua điện thoại, qua mạng xã hội để giúp các em thấy vui hơn trong những ngày giãn cách.

Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, mẹ của chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung cũng thấy mừng vì dù không được tổ chức Sân khấu nhỏ Ibsen tập trung, con gái bà vẫn có thể giúp được người khác: "Hiện tại, dịch bệnh đang nhiều, tuy rằng không tập trung chơi được nhưng vẫn làm online. 1 ngày nó cũng giải quyết những bức xúc, những nặng nề của rất nhiều người. Thấy tối ngày có người gọi điện bảo áp lực quá, mệt mỏi lắm, cần Dung tư vấn tâm lý để bình an, giảm áp lực, lấy lại cân bằng để phục vụ cho xã hội. Những đứa trẻ không đi học, không đi chơi, cả ngày nhốt trong phòng cũng bức xúc lắm, cứ gọi điện cho bác Dung, cô Dung để chơi với nó, bày trò chơi để giải quyết những cái nó cần hiện thời… Thấy cũng được, tuy ngồi 1 chỗ nhưng nó vẫn giúp được cho mọi người."

Thế giới này sẽ thật buồn nếu ai cũng giữ kín những tâm tư, dù có muôn vàn điều muốn nói nhưng lại cố chấp chẳng chịu hé môi nửa lời. Thế giới này còn buồn hơn nếu như một người khao khát được nói mà xung quanh đều chẳng quan tâm, không ai muốn dừng chân và hỏi xem đối phương phải chăng đang muốn tâm sự. Dường như chúng ta đang bận rộn với bộn bề lo toan, với cuộc sống tất bật của riêng mình mà quên lãng việc lắng nghe lẫn nhau. Bởi thế những điều mà chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung cùng Dự án Sân khấu nhỏ Ibsen đang làm thật đáng quý. Lắng nghe để sẻ chia, để hiểu những người xung quanh nhiều hơn, rồi bạn sẽ thương họ nhiều hơn.