Có người vừa được khen thưởng xong thì bị khởi tố, điều tra

Sáng 23/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao những điểm mới của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng khi đã đi thẳng vào thực tiễn, hướng đến người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ… đây là một sự tiến bộ của Luật.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này phải làm sao loại bỏ được tính hình thức.

“Khen thưởng, tôn vinh phải thực sự phải đúng, phải là động lực để người lao động phấn đấu. Hiện nay có hiện tượng, cá nhân, tổ chức khi khen thưởng thành tích rất nhiều nhưng sau này bị khởi tố, kỷ luật. Rồi số lượng khen thưởng thì ít nhưng chủ yếu cán bộ lãnh đạo được nhận khen thưởng…Luật phải khắc phục hiện tượng này”, ông Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.

Đóng góp ý kiến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ông Nguyễn Xuân Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đặt ra 2 vấn đề: Có nên lấy hình thức khen thưởng này làm điều kiện cho hình thức khen thưởng khác? Một cá nhân, tổ chức có nên hai lần nhận một hình thức khen thưởng không?

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đang tồn tại hiện tượng, khi tổng kết một phong trào thi đua có người nhận đủ loại bằng khen từ cấp cơ sở, cấp Bộ đến cấp Thủ tướng… dẫn đến sự chồng chéo.

Do vậy, ông Nguyễn Xuân Thắng đề xuất nên chăng cần tích hợp các thành tích thi đua về mọi phương diện và cuối cùng chỉ trao một hình thức khen thưởng cao nhất. Điều này tránh trường hợp có người hôm trước vừa được khen thưởng phong trào tự vệ của cơ quan, hôm sau được khen thưởng vì sự tiến bộ của phụ nữ…

Tương tự, ông Nguyễn Xuất Thắng đặt vấn đề một cá nhân, tổ chức có nên nhận một hình thức khen thưởng nhiều lần hay không?

“Danh hiệu Anh hùng lao động lần 1, lần 2; Huân chương Hồ Chí Minh lần 1, lần 2. Trong cuộc đời chỉ cần nhận một lần thôi. Nhận Huân chương đã là vinh dự lắm, vẻ vang, xứng đáng lắm rồi không cần xét lần thứ 2 nữa”, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị.

Trong khi đó, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc Hội nêu ý kiến, phong trào thi đua là rất rộng, thi đua toàn quốc, mọi lĩnh vực nhưng khen thưởng lại hẹp dần và chủ yếu tập trung vào cán bộ công chức, viên chức.

“Trên 55 triệu lao động hiện nay chỉ có mười mấy triệu lao động có quan hệ lao động, còn trên 35 triệu lao động nằm ở khu vực phi kết cấu. Vậy số này ai khen? Họ tham gia thi đua thì ai khen? Bao nhiêu nông dân chế tạo máy móc, sản phẩm số này ai khen? Phải quan tâm tới những đối tượng này thì mới thúc đẩy phong trào thi đua”, ông Đặng Thuần Phong chia sẻ.

Sẽ ưu tiên khen thưởng người lao động, sản xuất trực tiếp

Trao đổi cụ thể về những điểm mới của án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này tập trung 4 chính sách lớn: Hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng; hoàn thiện thẩm quyền, phân cấp thi đua khen thưởng; hoàn thiện thủ tục hành chính sao cho tinh gọn.

Trong đó việc khen thưởng phải cân đối, hài hòa giữa khu vực công và tư. Phải đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, việc sửa Luật Thi đua, khen thưởng theo Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà vẫn phải đảm bảo mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Có thi đua thì có khen thưởng.

“Tuy nhiên, có những thứ phải điều chỉnh rất rõ để đảm bảo theo nguyên tắc thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đấy. Có thành tích thì có khen thưởng. Giảm bớt tính hình thức thi đua, khen thưởng”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Một trong những bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu là quy định lũy kế thành tích, phải có thành tích thấp thì mới có thành tích cao. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh hình thức trong thi đua, khen thưởng và khiến cho việc khen thưởng chủ yếu dành cho các bộ công chức, viên chức.

Một trong những điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà là quan tâm tập trung khen thưởng khu vực tư, đại diện các tầng lớp nhân dân. Ưu tiên khen thưởng lao động trực tiếp, những công dân, doanh nhân, chiến sỹ...

Hiện nay, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chỉ có 5 loại hình khen thưởng. Tuy nhiên, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi đã thiết kế 6 loại hình khen thưởng: Khen thưởng công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo phong trào thi đua, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng cống hiến và khen thưởng đối ngoại.

Trong 6 loại hình khen thưởng trên thì có đến 5 loại hình khen thưởng theo hình thức, thành tích đến đâu khen thưởng đến đấy, không phụ thuộc vào lũy kế thành tích.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này là xác định thẩm quyền một cách rạch ròi, cụ thể.

“Trước đây, dồn khen thưởng thành tích cao lên Chính phủ. Chính phủ trình sang Chủ tích nước. Giờ sẽ chú trọng khen thưởng từ cấp cơ sở. Phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trong vấn đề tổ chức phong trào thi đua, tránh hình thức”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.