Cơ sở cho việc chuyển quyền cấp Giấy phép lái xe
Theo quy định tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ Công an vừa trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyền sát hạch và cấp Giấy phép lái xe sẽ được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Đại diện cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, tình trạng mất an toàn giao thông đường bộ hiện nay rất lớn. Vi phạm xảy ra tràn lan, để lại hậu quả nặng nề. Trong khi đó, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành công an, ông Lâm khẳng định: “Trật tự an toàn giao thông là một bộ phận của an toàn xã hội mà an toàn xã hội thì Chính phủ đã giao cho công an”. Đây cũng là lý do Bộ Công an đề xuất với Chính phủ xây dựng luật này.
Theo tướng Tô Lâm, việc tách 1 luật ra thành 2 luật sẽ đem lại nhiều lợi ích: “Chúng tôi đã đánh giá và thấy tiết kiệm được, cụ thể không nảy sinh nhân sự mới, bộ máy mới. Bộ máy không nảy sinh, con người không nảy sinh mà sẽ giảm”. Thậm chí, theo người đứng đầu ngành công an, quy định này nếu được thông qua sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa.
Thiếu căn cứ khoa học và “phình” biên chế?
Cho rằng “mất an toàn giao thông hiện đang là vấn đề khiến người dân bất an”, tuy nhiên, các nhà làm luật cho rằng những lý lẽ mà Bộ Công an đưa ra để chuyển quyền sát hạch, cấp Giấy phép lái xe là chưa đủ căn cứ khoa học. “Lấy lý do tính mạng con người là quan trọng và tai nạn giao thông mà phải chuyển sang Bộ Công an hay vì bằng giả, bằng kém chất lượng, ý thức người tham gia giao thông kém mà chuyển sang Bộ Công an thì không thuyết phục”, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) nêu quan điểm. Ông Xuyền lập luận: “Bây giờ bằng đại học, bằng trung học rởm rất nhiều mà bảo chuyển sang Bộ Công an làm? Chuyển làm sao được!”
Vấn đề dễ nhận thấy nữa là “số phận” của những cán bộ, công chức và người lao động đang làm thực hiện việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe sẽ như thế nào? Người đứng đầu ngành công an khẳng định “không nảy sinh bộ máy mới, nhân sự mới” nhưng các đại biểu Quốc hội lại có góc nhìn khác. “Nếu chuyển giao thì sẽ tăng biên chế. Chứ Bộ Công an nói không tăng là không hợp lý. Lập luận không thuyết phục. Không có biên chế thì lấy đâu người làm?”, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi. Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng khi chuyển “quyền” từ đơn vị này sang đơn vị khác sẽ có sự thay đổi về cách thức quản lý. “Việc sát hạch khi chuyển từ Bộ này sang Bộ khác sẽ lập tức có những quy tắc khác. Không thể nói rằng anh áp dụng quy tắc của một Bộ khác để dành cho việc của anh được. Như vậy nó sẽ đẻ ra một thủ tục hành chính khác. Như vậy có tốn kém không? Có giảm con người?”, ông Hoàng đặt câu hỏi.
Ông Hoàng còn “lật ngược” vấn đề khi có dịp đối thoại với một cán bộ của ngành công an. “Hôm rồi tôi có trao đổi với các anh bên Cục Cảnh sát Giao thông, các anh nói là việc chuyển giao nhiệm vụ sát hạch và cấp bằng lái xe sẽ không tăng thêm biên chế, chỉ có thêm người và thêm việc. Tôi không đồng ý quan điểm này. Đây là một công việc hết sức chuyên nghiệp và thường xuyên. Không thể nói anh đang có người sẵn sàng làm việc này. Nói như vậy có người làm chưa hết việc? Cách giải thích của Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông là chưa hợp lý”.
Hơn nữa, nếu việc chuyển quyền sát hạch, cấp Giấy phép lái xe được thực hiện thì số cán bộ, viên chức và người lao động đang làm công việc này sẽ đi đâu, làm gì cũng là một vấn đề lớn. “Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên đường nữa. Bộ Giao thông Vận tải có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin. Có lẽ đây chính là cơ sở để ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) và nhiều đại biểu băn khoăn về số phận của lực lượng lao động này. “Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải có khoảng 800 cơ sở đào tạo lái xe mô-tô, ô tô; gần 600 công chức; 1.700 viên chức và gần 20.000 lao động trong lĩnh vực này. Trang, thiết bị, phương tiện cũng cả ngàn tỉ. Nếu chuyển sang cho Bộ Công an thì số lao động này sẽ đi về đâu? Giảm biên chế hết hay sao?”, ông Hòa thắc mắc.
Nếu chuyển, ai là người giám sát?
Tai nạn giao thông đường bộ hiện chiếm tới hơn 90% các vụ tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là căn cứ chính để Chính phủ trình Quốc hội tách Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, có nội dung chuyển quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Ngoài những băn khoăn mà các đại biểu đã nêu, còn một vấn đề nữa cũng rất đáng lưu tâm. “Từ trước đến nay Bộ Giao thông làm việc này, còn Bộ Công an giám sát. Tới đây giao nhiệm vụ này sang công an thì ai giám sát công an làm việc này? Câu hỏi này chưa trả lời được”, ông Phúc nói.
“Việc dân sự nên để dân sự làm”, “cái gì chưa tốt thì làm cho tốt”
Trước hàng loạt băn khoăn, lo lắng, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giữ nguyên quy định như hiện hành để tránh xáo trộn. “Tôi nhận được thư của Hiệp Vận tải gửi cho tôi, họ không tán thành việc này và đề nghị không đảo lộn, cái nào chưa tốt thì làm cho tốt. Tôi nghĩ Chính phủ cũng nhận được thư này” - Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Đồng quan điểm với Luật sư Nghĩa, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, việc này không phù hợp với Nghị quyết 17 của Trung ương. Lực lượng vũ trang thì nên tập trung cho xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn những việc gì dân sự làm được thì Nhà nước chỉ nên đứng ở vai trò quản lý, tạo hành lang pháp lý để quản lý.