Sáng nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội. Lừa đảo qua mạng, quản lý thuê bao, đầu số, xử lý tình trạng sim rác, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân... là những vấn đề được đưa ra tại phiên chất vấn này.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho rằng: Gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng…. qua mạng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng còn chậm, tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội.
Chung mối quan tâm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết về giải pháp triệt để ngăn chặn tác hại của thông tin xấu, độc trên không gian mạng, trong khi thực tế lực lượng chức năng còn mỏng nhưng có tới hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Lừa đảo qua mạng là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua, Bộ đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Thời gian tới, vấn đề này sẽ sớm được xử lý.
Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã có điều chỉnh để nâng tầm vấn đề xử lý tin giả, đó là từ Thông tư nâng lên thành Nghị định, quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 48 tiếng xuống còn 24 tiếng. Có những thông tin đặc biệt phải xử lý ngay trong 3 giờ. Tuy nhiên, mức phạt hiện còn rất thấp, chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc tăng mức xử phạt để có tính răn đe, ít nhất ngang mức trung bình so với các nước trong khu vực.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc, thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản nhất vẫn là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, các tổ chức, thậm chí tới cả nhà trường và gia đình. Thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ: Ngoài đời quản lý theo lãnh thổ còn trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử lý tài khoản vi phạm thì "chẳng khác gì như khi phòng chống dịch COVID-19, chỉ cách ly, phong tỏa, đeo khẩu trang". Do đó, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng thông qua vaccine. Làm sao để người dân không nghe, không đọc thông tin xấu độc. "Bộ trưởng nói sau 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin độc hại, nhưng chỉ cần sau 5- 10 phút, thông tin độc hại đã lan rất rộng rồi. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu độc hại đã ngấm vào mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta sẽ chạy theo sau, rất vất vả", ông Nghĩa ví von.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu ý kiến: Dường như Bộ chưa mấy quan tâm đến việc quản lý nhà nước về mạng xã hội, hoặc có thì khi các vụ việc xảy ra rồi mới thanh tra, kiểm tra, dẫn đến báo hóa mạng xã hội… gây lúng túng cũng như chậm xử lý những vi phạm. Như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng là một ví dụ khi thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và hiện đã xử lý hình sự.
Giải trình về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 5 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng. Đó là hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội còn chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách. Còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tội phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm còn chưa hiệu quả, chưa triệt để mà chưa kịp thời.
Chiều nay, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về các vấn đề liên quan đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc và một số vấn đề khác./.