Nhằm khai thác tiềm năng kinh tế số trong quảng bá sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La quyết tâm đưa nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành để xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Tráng Thị Xuân, PCT thường trực UBND tỉnh Sơn La cho rằng: Đây là diễn đàn quan trọng và rất ý nghĩa để lãnh đạo tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp và khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để xây dựng quê hương, đất nước.
“Chúng tôi kì vọng đây là cơ hội để các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh thanh niên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP cũng như được chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, qua Diễn đàn giúp thanh niên hiểu rõ hơn việc chăm lo của Đảng và Nhà nước nói chung; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nói riêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Sơn La; thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương với thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La", bà Tráng Thị Xuân nhấn mạnh.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 5.917 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương.
Hiện toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; các sản phẩm Mận sấy; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo... Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45 héc-ta cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đang hỗ trợ duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; tiếp tục triển khai 7 dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Chia sẻ tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư BCH TW Đoàn, PCN Thường trực UB Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho rằng, khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số là những vấn đề rất quan trọng, là giải pháp rất cụ thể để thực hiện những mục tiêu đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững. Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với các tỉnh, thành đoàn, đơn vị liên quan tổ chức các Diễn đàn, Hội thảo, tập huấn chuyên sâu hơn nữa về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó có nội dung chuyển đổi số. Mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử và bán hàng online.
Trước diễn đàn, 11 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã có buổi livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Sơn La như: nhãn ánh vàng, long nhãn, tỏi đen, mận hậu sấy dẻo Mộc Châu, mật ong, chẳm chéo, trà hoa đu đủ đực... Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) với 12 phiên livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt vào xem livestream, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2350 đơn hàng nông sản được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu. Qua đó góp phần giới thiệu, lan tỏa hình ảnh quê hương Sơn La với nhiều sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.