Việt Nam hiện có dân số khoảng gần 100 triệu người với tốc độ gia tăng 1,14%/năm. Do đó, xu hướng tiến ra biển, khai thác tiềm năng và làm giàu từ biển là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên biển của Việt Nam hiện đang chủ yếu tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế mà chưa chú trọng tới công tác bảo tồn, chưa có quy hoạch phát triển cụ thể.
Nhiều nguồn tài nguyên biển đang bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động. Trong đó, nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày một tăng.
Khu vực biển Hòn Mun là vùng lõi của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư bảo vệ nghiêm ngặt, có hệ sinh thái biển phong phú đa dạng, ít nơi nào có được. Thế nhưng, gần đây rạn san hô tại đây lại bị suy giảm, xác xơ, cá tôm vắng bóng. Đặc biệt, khu vực phía Tây Hòn Mun lượng san hô chết, bị sóng đánh tấp dạt lên bờ thành lớp dày.
“Du khách nước ngoài khi đến đây rất thích đến đảo Hòn Mun để bơi và lặn xem san hô. Nhưng hiện nay, khu vực nông dưới 3m cũng không còn. Trước kia nó đẹp như một thiên đàng. Giờ san hô chết hàng loạt, chỉ còn màu đen thôi” anh Đỗ Thành Quân – hướng dẫn khách lặn biển ở Nha Trang cho biết.
Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cũng cho thấy, hơn 80% số lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã được khai thác phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có đến 25% số lượng cá đang bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt suy giảm rất mạnh, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ không thể bắt gặp trong tự nhiên.
Những năm gần đây, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, đáng kể là việc ban hành kế hoạch quốc gia về bảo tồn rùa biển và nghiên cứu quy trình cứu hộ các loài thú biển... Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, việc nghiên cứu quản lý nghề cá theo hạn ngạch cũng đang được nghiên cứu triển khai. Những nỗ lực trên thể hiện quyết tâm cải thiện chiến lược quản lý và bảo tồn nghề cá của Việt Nam và Việt Nam đang nghiêm túc hướng tới nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
Trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có 4 mục tiêu được đề ra, đó là: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2050 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
“Đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”, ông Võ Tuấn Nhân, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.