“Tất cả chúng ta - dù đến từ cơ quan tổ chức nào, dù đang sống và làm việc tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Điện Biên... đều có chung một mong muốn, một mục tiêu đó là góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về Bình đẳng giới, các mục tiêu phát triển đất nước", bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng ánh sáng đã chia sẻ một cách chân thành như vậy trong bài phát biểu khai mạc cuộc hội thảo "Tăng cường nguồn lực tài chính trong nước để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam", do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) và Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng nay.

Bà Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Ngày nay, với một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, vị thế, năng lực của một quốc gia nói chung hay một tập đoàn, doanh nghiệp nói riêng không chỉ dựa vào những chỉ số, yếu tố kinh tế thuần tuý mà còn phải tính đến các yếu tố như: Môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, bình đẳng giới.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết bình đẳng giới và các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam là thiếu các nguồn lực tài chính.

Mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 sửa đổi đã có những thay đổi tiến bộ quan trọng khi đưa ra nguyên tắc thúc đẩy bình đẳng giới trong chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện còn nhiều khó khăn thách thức, như: Thiếu quy trình kế hoạch và ngân sách, thiếu các công cụ và hướng dẫn, hạn chế trong hiểu về cách tiếp cận ngân sách có trách nhiệm giới, chưa có số liệu phân tách theo giới tính, chưa theo dõi và dán nhãn được các khoản chi tiêu hướng về bình đẳng giới trong các báo cáo tài chính..

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ đã giảm các hỗ trợ tài chính cho bình đẳng giới, việc đảm bảo và huy động nguồn tài chính trong nước là vô cùng cấp thiết. Trong nhiều năm qua, UN Women đã vận động và giới thiệu các công cụ để đưa vấn đề bình đẳng giới vào các chính sách kế hoạch và tài chính của quốc gia để đảm bảo rằng các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực hiện.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, thành viên Ban điều hành Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới Việt Nam (GBVnet) cho biết, các tổ chức xã hội có vai trò trong việc tham gia đóng góp tiếng nói trong huy động, phân bổ nguồn lực, mang lại lợi ích không chỉ cho phụ nữ mà cả nam giới. Để thể hiện vai trò của mình, các tổ chức xã hội đã có các hoạt động truyền thông, tập huấn cho các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, cộng đồng các vấn đề về giới và ngân sách.

“Các tổ chức xã hội cũng đã chủ động tìm kiếm các nguồn lực trong nước và quốc tế để triển khai thí điểm các mô hình, dự án liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Để tăng cường nguồn lực tài chính trong nước góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, đại diện Ban điều hành GBVnet đưa ra một số khuyến nghị để các tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng, tham gia, giám sát, đánh giá sử dụng nguồn lực để mỗi đồng chi tiêu đều mang lại hiệu quả cho cả phụ nữ và nam giới. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhấn mạnh thêm: Lồng ghép vai trò quan trọng của lồng ghép giới trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách nhưng việc thực hiện lồng ghép giới vẫn còn chung chung, vì vậy bà mong muốn việc lồng ghép, phân tích giới được thực hiện hiệu quả hơn để thấy rõ những khoảng cách, thiếu hụt về giới còn tồn tại ở chỗ nào để khắc phục chỗ đó.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng: Trong bối cảnh các nguồn tài trợ đang giảm dần, chúng ta cần phải sử dụng nguồn lực nội tại để thực hiện các mục tiêu quốc gia, các cam kết quốc tế, bao gồm cả các cam kết về bình đẳng giới. Để làm được điều đó, chúng ta cần có sự phân định rõ vai trò của từng bên, cần có sự điều phối, hợp tác tốt, phát huy tiềm năng và thế mạnh của tất cả các bên liên quan.

PGS.TS Vũ Cương, Đại học Kinh tế Quốc dân lại nhìn nhận: Trong các chính sách cấp Trung ương có đề cập tới bình đẳng giới nhưng khi triển khai xuống cấp tỉnh, huyện thì gần như không còn. Việc phân bổ ngân sách hoạt động cho lĩnh vực này còn khá mờ nhạt. Mới đây, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó đáng chú ý nhất là chương mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận vai trò của các bên, trong đó có khối tư nhân, các tổ chức xã hội và đưa ra những khó khăn chính trong thúc đẩy nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới trong nước như thiếu quy trình kế hoạch và ngân sách, thiếu các công cụ và hướng dẫn, hạn chế trong hiểu về cách tiếp cận ngân sách có trách nhiệm giới, chưa có số liệu phân tách theo giới tính, chưa theo dõi và dán nhãn được các khoản chi tiêu hướng về bình đẳng giới trong các báo cáo tài chính.

Các đại biểu cũng thảo luận vai trò của các bộ ban ngành liên quan như Bộ tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức xã hội, khối doanh nghiệp tư nhân… đồng thời đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường tài chính cho bình đẳng giới. Trong đó, nổi bật là cách áp dụng ngân sách có trách nhiệm giới, đảm bảo các nhu cầu của phụ nữ, nam giới và các đối tượng khác được xem xét đầy đủ trong toàn bộ chu trình ngân sách.