Theo kết quả cuộc điều tra năm 2019, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số vẫn còn tới 21,9%. Tại những vùng tập trung nhiều đồng bào sinh sống như Tây Nguyên là 27,5%; Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%; Đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng có 7,8% tảo hôn. Đáng chú ý, tình trạng tảo hôn xảy ra ở tất cả 53 dân tộc thiểu số, trong đó 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông 51,5%, Cờ Lao gần 48%, Mảng hơn 47%, Xinh Mun gần 45%, Mạ hơn 39%.

Theo ThS Nguyễn Song Bảo Anh, Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, đây là vấn đề không mới nhưng rất đáng được quan tâm, vì nó gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mang thai và làm mẹ sớm cũng như việc bỏ học là những hậu quả phổ biến nhất của tảo hôn.

Chuyện những đứa trẻ mới 13, 14 tuổi đã về nhà chồng không còn là hiếm ở nhiều tỉnh miền núi nước ta hiện nay. Nếu nhìn ở góc độ sức khỏe sinh sản thì việc lấy chồng sớm rồi phải làm mẹ ở độ tuổi như vậy sẽ ảnh hưởng như rất lớn tới sức khỏe của người phụ nữ. Theo số liệu tổng hợp của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) công bố đầu năm 2020, các biến chứng khi mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái 15-19 tuổi trên toàn cầu và tập trung chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các bà mẹ vị thành niên từ 10-19 tuổi sẽ phải đối mặt với các nguy cơ như sản giật, viêm nội mạc tử cung hậu sản, và nhiễm trùng toàn thân cao hơn nhiều so với phụ nữ 20-24 tuổi. ThS Nguyễn Song Bảo Anh cảnh báo những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ “trẻ con” như vậy không thể phát triển được tốt cả về thể chất và trí tuệ.

“Các số liệu nghiên cứu của WHO cũng chỉ ra trẻ em sinh ra khi mẹ chưa đủ 20 tuổi có thể gặp nhiều nguy cơ về sinh non, nhẹ cân và các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác ở giai đoạn sơ sinh. Chưa kể, tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên thường tập trung ở các khu vực và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn; và trẻ em sinh ra khi bố mẹ còn rất trẻ, không thể đảm bảo được đầy đủ về sinh kế, điều kiện kinh tế, cũng như kiến thức, kinh nghiệm để đảm bảo điều kiện chăm sóc tốt về dinh dưỡng, sức khỏe, cũng như giáo dục cho con trẻ, ThS Nguyễn Song Bảo Anh lưu ý.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do bất bình đẳng giới và phân biệt giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, được duy trì bởi hệ thống gia đình phụ hệ ở Việt Nam. Cùng với đó là nghèo đói, thiếu hướng nghiệp và sinh kế bền vững, thanh thiếu niên vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái cũng bị tăng nguy cơ phải bỏ học và kết hôn sớm, vì hôn nhân cũng được xem là biện pháp để bảo đảm sinh kế cho tương lai.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có không ít giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, một trong đó phải kể đến đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2025 của Chính phủ. Với tỉnh Quảng Ninh, sau 5 năm thực hiện đề án, tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh cũng giảm rõ rệt. Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ tảo hôn của tỉnh chỉ còn 1,2% trên tổng số cặp kết hôn trong giai đoạn.

ThS Nguyễn Song Bảo Anh cho rằng dù nhiều địa phương đạt được những tín hiệu đáng mừng trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhưng vẫn có không ít những rào cản như là hạn chế về ngôn ngữ, hạn chế về kĩ năng tuyên truyền khiến cho việc truyền thông chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chính vì thế, theo ThS Nguyễn Song Bảo Anh, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông kèm theo các hoạt động sinh kế, nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

“Khi thực hiện các hoạt động truyền thông, cần chú ý chọn thời điểm truyền thông phù hợp với sinh hoạt của bà con và tạo điều kiện cho sự tham gia của nhóm đối tượng đích. Hình thức và ngôn ngữ truyền thông ưu tiên tiếng dân tộc, đơn giản, ngắn gọn, nhiều hình ảnh, minh họa gắn với đời sống. Ngoài ra, cũng nên phối hợp với người tuyên truyền là các trưởng thôn, bản hoặc người địa phương có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng”.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thực sự là một rào cản lớn đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây ra những hệ lụy lâu dài cho các thế hệ và làm thụt lùi tiến trình phát triển xã hội. Chính vì vậy làm thế nào để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng này là vấn đề rất cần được lưu tâm.