Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức chiếm tới 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước. Lao động phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thiếu sự ổn định, thông thường không có hợp đồng hoặc chỉ thoả thuận bằng miệng, thu nhập thấp với nhiều công việc nặng nhọc và đầy rủi ro. Thế nhưng đây cũng là nhóm khó vận động tham gia BHYT nhất. Và khi đã không tham gia, họ cũng viện đủ mọi lý do.

Anh Hoàng Văn Thanh (37 tuổi ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) ai thuê gì làm nấy, thu nhập cũng chỉ khoảng 4-5 triệu/tháng. Đã nhiều lần chính quyền địa phương vận động anh tham gia BHYT hộ gia đình nhưng anh đều từ chối. Cách đây vài ngày, anh bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm và bị vỡ xương bánh chè nên anh phải vào bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hai làm nông nghiệp nên chỉ đủ sinh họat. Ngày con bị nạn, trong nhà không có tiền nên bà phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải viện phí. Dù biết được lợi ích mà BHYT mang lại nhưng bà vẫn ngập ngừng khi được hỏi, sau này có tham gia BHYT hay không, vì bà nói, 2 mẹ con đóng hơn triệu bạc là khoản tiền không nhỏ đối với gia đình bà.

Giống hoàn cảnh của bà Hai, hàng ngày, chị Nguyễn Thị Lý ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đến chợ Long Biên, Hà Nội để bưng bê, thồ hàng. Những tháng khỏe, thu nhập của chị được khoảng 7 triệu, còn những tháng yếu, chỉ 3-4 triệu. Chồng chị lại triền miên đau ốm nên chỉ ở nhà làm ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao. "Nếu bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua BHYT cho 2 vợ chồng thì không lấy đâu ra vì kiếm cũng chỉ đủ ăn" - chị Lý giãi bày.

Dù rằng tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt trên 90% nhưng trong số 10% còn lại, lực lượng lao động phi chính thức lại chiếm một tỷ lệ khá lớn, do họ có thu nhập không ổn định và ít nghĩ đến việc tham gia BHYT để dự phòng khi ốm đau, bệnh tật nên rất cần một chính sách đặc biệt để hỗ trợ người lao động tự do nghèo tham gia BHYT.