Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin. Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Với liều lượng 1 picogram (1 phần nghìn tỷ gam) có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người, vài chục nanogam (1 phần tỷ gam) có thể lập tức gây chết người, đặc biệt chất độc da cam di truyền xuyên thế hệ. Cuộc chiến tranh hóa học đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe người Việt Nam.

Theo thống kê, ¼ diện tích toàn miền Nam Việt Nam bị rải chất độc hóa học, trong đó 86% diện tích bị phun rải trên hai lần; 11% diện tích bị phun rải trên 10 lần; 86% hóa chất độc rải xuống rừng núi, đầu nguồn 28 con sông chính, 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết các hệ sinh thái rừng của Nam Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã bị tàn phá; hơn 3 triệu hec-ta rừng nguyên sinh bị hủy hoại. Môi trường trên toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng, các hệ sinh thái bị đảo lộn, một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng...

Hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, không có một giây phút sống như người bình thường. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều người đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quẳn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Khắc phục hậu quả chất độc hóa học là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học.

Nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” (10/8), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi các nạn nhân và gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Trong thư, Chủ tịch nước mong muốn các tổ chức, cá nhân đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc, giúp đỡ và ủng hộ nhiều hơn nữa vào công cuộc khắc phục hậu quả của thảm họa da cam/dioxin, chăm lo cho nạn nhân chất độc dacam/dioxin, nhất là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để hỗ trợ các gia đình có công cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, các nạn nhân chất độc đa cam dioxin. “Chính sách hỗ trợ các nạn nhân và gia đình các nạn nhân da cam/dioxin phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trong thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm phục và biểu dương các nạn nhân và gia đình các nạn nhân da cam/dioxin đã nỗ lực vượt qua di chứng, bệnh tật, hòa nhập vững vàng vào cuộc sống. Chủ tịch nước mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan tổ chức, cá nhân đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ nhiều hơn nữa vào công cuộc khắc phục hậu quả của thảm họa da cam/dioxin, chăm lo cho nạn nhân chất độc dacam/dioxin, nhất là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai mà là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân dạo mà là hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của người Việt Nam.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ trong Thông báo số 292-TB/TW: “Việt giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”.

Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” cũng khẳng định: “Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị...”.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều chế độ, chính sách đối với nạn nhân và con đẻ của nạn nhân bị di chứng chất độc da cam được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Phát huy tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp hội đặt lên hàng đầu công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, coi đó là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Các cấp hội đã vận động quỹ hàng nghìn tỷ đồng, sử dụng hiệu quả trong đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, tặng xe lăn; khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang thực hiện 25 dự án ở trong nước và với bạn bè quốc tế để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Nhờ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống và hòa nhập với xã hội.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nói “Nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới”. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Khắc phục hậu quả thảm họa da cam là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Nạn nhân chất độc da cam cần lắm sự chia sẻ, quan tâm của cộng đồng và xã hội để xoa dịu nỗi đau da cam.