Video Player is loading.
Current Time 0:00
/
Duration 0:00
Loaded: 0%
0:00
Progress: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -0:00
 
1x

Vụ việc một thiếu niên sinh năm 2009 thuê người bạn quen biết qua chơi game với giá 5 triệu đồng, để cùng sát hại bà nội; rồi vụ việc người phụ nữ cùng con gái giết chồng… là 2 trong số khá nhiều vụ thảm sát người thân diễn ra gần đây. Chúng ta bàng hoàng, xót xa trước những vụ việc đau lòng như thế đồng thời cũng day dứt với câu hỏi vì sao những người trong cùng một gia đình lại dễ dàng giết hại lẫn nhau? Vì sao ngày càng có nhiều vụ án đau lòng như thế?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, qua nghiên cứu trong nhiều năm thì cứ 100 vụ giết người thì có tới từ 14 - 18 % là những người thân trong gia đình sát hại nhau. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi nền kinh tế xã hội có những biến động thì tỷ lệ này có xu hướng tăng cao.

“Việc những người vốn bình thường, vốn không phải là tội phạm chuyên nghiệp bỗng trở thành phạm tội giết người, trong tội phạm học gọi đó là giết người do nguyên nhân xã hội. Đó chủ yếu là xuất phát từ những tranh chấp, những mâu thuẫn xung đột về tình cảm, về tài sản rồi xuất phát từ nguyên nhân bất bình đẳng giới, kể cả những mâu thuẫn nhất thời hay là những vấn đề liên quan đến kỹ năng ứng xử trong đời sống hằng ngày” – PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nhận xét.

Từ xưa đến nay, tình thân, máu mủ, ruột rà luôn là được đặt lên hàng đầu trong các mối quan hệ. Do đó, khi nghe thông tin về những vụ thảm sát mà thủ phạm và nạn nhân đều là người thân trong gia đình, không chỉ bàng hoàng, đau xót mà rất nhiều người không thể lý giải nổi về hành vi phi nhân tính, trái đạo đức, không có chút tình người nào của thủ phạm.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về tâm lý tội phạm, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, hiện nay sợi dây kết nối huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình đang lỏng lẻo và không còn được đặt lên hàng đầu. Nhiều giá trị truyền thống trong các gia đình như tình yêu thương, coi trọng lễ nghĩa, sự hiếu thảo… đang bị phai nhạt. Gia đình đang chịu những tác động dữ dội của mặt trái kinh tế thị trường, khi đồng tiền được coi trọng hơn cả đạo đức, tình thân. Những luồng văn hóa độc hại, những thông tin tiêu cực, lệch chuẩn từ mạng xã hội cũng đang phá vỡ, bào mòn những giá trị của gia đình. Do đó, khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, thay vì hòa giải, nhường nhịn hoặc tha thứ cho nhau thì nhiều người đã chọn cách giải quyết bằng bạo lực, thậm chí tàn nhẫn tước đoạt mạng sống của người thân.

Đặc biệt, vụ án đau lòng gần đây nhất ở Hưng Yên: người cháu thuê bạn – là người quen biết qua chơi game - cùng sát hại bà nội. Điều đáng nói là hai thủ phạm mới 15, 16 tuổi - độ tuổi chưa thành niên. Đây thực sự là tiếng chuông báo động về hệ lụy nguy hiểm của việc nghiện game đối với thanh thiếu niên.

“Không chỉ vụ người cháu sát hại bà nội mới đây mà trước đây cũng từng xảy ra những vụ việc đau lòng như con giết cha, mẹ ruột vì thiếu tiền chơi game. Nghiện game ảnh hưởng cả về mặt nhận thức, cả về sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất và dẫn đến những những hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý đặc điểm tâm lý lứa tuổi từ 11 – 18 tuổi là giai đoạn các em đang muốn làm người lớn, muốn khẳng định bản thân nhưng chưa phát triển hoàn thiện về nhận thức và thể chất, chưa có nhiều trải nghiệm về cuộc sống cũng như kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Lứa tuổi này cũng thường hành động theo cảm tính, theo phong trào, có xu hướng nghe theo bạn bè nhiều hơn, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo theo cái xấu. Do đó, gia đình, xã hội cần hết sức quan tâm đến vấn đề này” – PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn phân tích.

Tước đi quyền sống của người khác là hành vi phạm tội mà pháp luật cũng như đạo đức xã hội không thể dung thứ. Hành vi tước đoạt mạng sống của người thân ruột thịt trong gia đình còn bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc hơn. Không chỉ để lại nỗi đau với chính gia đình xảy ra vụ việc mà hành động tàn sát người thân còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của cộng đồng.

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, để tránh xảy ra những vụ án đau lòng như vậy, trong mỗi gia đình, mỗi thành viên nên có sự quan tâm lẫn nhau để có thể nhận diện được những mâu thuẫn, những nguy cơ nhằm có biện pháp hóa giải, tránh tích tụ bức xúc, thù hận lâu ngày và dẫn tới hành vi phạm tội.

"Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực sự quan tâm thì chúng ta sẽ nhận thấy những cảnh báo rủi ro có thể xảy ra. Chẳng hạn như tranh chấp đất đai hay chuyện mâu thuẫn trong gia đình không được hóa giải mà cứ tích tụ, nếu chúng ta nhạy cảm, chúng ta để ý quan sát thì qua những ánh mắt, thái độ, hành vi của những đứa con, của người vợ, người chồng... chúng ta sẽ nhận ra dấu hiệu nguy hiểm" - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.

Đặc biệt, đối với thanh thiếu niên, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sức hình thành nhân cách và nền tảng văn hóa, nhận thức cũng như hành vi ứng xử.

“Nếu được sống trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt, các thành viên quan tâm, yêu thương lẫn nhau, trên kính dưới nhường, ứng xử văn minh, coi trọng đạo đức thì trẻ sẽ được bồi đắp, hình thành nhân cách tốt đẹp. Ngược lại, nếu cha mẹ có những ứng xử thô bạo, văng tục, chửi bậy, nghiệp ngập, không tôn trọng các giá trị đạo đức và chuẩn mực của xã hội thì trong những gia đình đó, tỉ lệ trẻ phạm tội rất cao. Tôi nhấn mạnh gia đình chính là pháo đài để chúng ta bảo vệ các giá trị xây dựng nhân cách để cho đứa trẻ lớn lên lành mạnh” – PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Một xã hội lành mạnh và văn minh, một nền giáo dục tốt và đặc biệt là một gia đình mà các thành viên quan tâm, hiểu biết lẫn nhau cũng như có cách hành xử đúng đắn, tôn trọng các giá trị đạo đức và tình thân sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật cũng như những vụ án thảm sát người thân. Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng cho rằng, việc nâng cao nhận thức, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ cũng cần được chú trọng.