Cung không đủ cầu

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, trong giai đoạn này, về nhà ở xã hội (NOXH), có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó: 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Ghi nhận kết quả này, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng “cung - cầu” về NOXH hiện đang mất cân đối nghiêm trọng. “Số lượng NƠXH và số dự án NƠXH còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở của người dân trong cả nước”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá.

Thực tế cho thấy nhiều địa phương có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng kết quả triển khai hạn chế so với mục tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025. Đơn cử, Hà Nội nhu cầu phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng hiện mới có 3 dự án được khởi công, ước tính khoảng 1.700 căn, đạt 9% chỉ tiêu; TP HCM cần xây 26.200 căn đến 2025 song hiện đạt khoảng 19% mục tiêu, gần 5.000 căn. Tương tự, Đà Nẵng cũng mới đạt 43% với 2.750 căn tại 5 dự án. Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà xã hội nào được khởi công từ 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi... Theo đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.

Vướng mắc thủ tục

Trong phiên thảo tại nghị trường Quốc hội ngày 28/10, các đại biểu chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập dẫn đến thị trường thiếu hụt nguồn cung NOXH. Trong đó, vướng mắc về thủ tục được nhắc đến là nguyên nhân hàng đầu của vấn đề. “Qua báo cáo của Đoàn giám sát và nhìn lại tổng thể về công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật nói chung, chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội nói riêng, nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên là những điểm nghẽn về thể chế: đó là quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung”, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐHQH tỉnh Thái Bình chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, theo phụ lục 2A kèm theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong tổng số 191 vướng mắc, bất cập thì có đến 103 vướng mắc, bất cập trong chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, 60 vướng mắc, bất cập trong chính sách pháp luật về phát triển NOXH. Ngoài ra, còn ghi nhận 5 vướng mắc, bất cập khác từ tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 23 nội dung từ tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn ĐBHQ tỉnh Thanh Hoá, cũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn do công tác lãnh đạo, ban hành chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội: “Công tác lãnh đạo, ban hành chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội tuy tương đối đầy đủ nhưng thiếu tính ổn định. Có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đồng bộ, thống nhất; một số cơ chế, chính sách chưa khuyến khích thu hút được nhà đầu tư nhà ở xã hội; còn nhiều người có thu nhập thấp, công nhân lao động chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội”, đại biểu Mai Văn Hải nêu rõ.

Thiếu hụt quỹ đất

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập. Quỹ đất dành cho các dự án NOXH chủ yếu phụ thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, giai đoạn 2015-2023, chỉ có 18/63 tỉnh thành bố trí quỹ đất độc lập làm nhà xã hội và 35 địa phương bố trí quỹ 20% trong dự án nhà thương mại. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến giá bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hội.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một trong những yếu tố khiến quỹ đất dành cho các dự án NOXH vốn đã khiêm tốn càng trở nên ít ỏi. “Tại vị trí các dự án nhà ở xã hội, việc bàn giao quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại cho nhà nước để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án NOXH thường kéo dài do chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để bàn giao. Công tác giải phóng mặt bằng ở một một số dự án còn nhiều vướng mắc, kéo dài”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá.

Cùng với đó là khó khăn trong việc bố trí vốn, huy động vốn phát triển NOXH. Trong khi đó, lợi nhuận khi triển khai xây dựng các dự án NOXH thường không cao như các dự án xây dựng nhà ở thương mại. Đó là những lý do khiến nguồn cung NOXH vốn đã thiếu càng trở nên khan hiếm.