Hôm nay (08/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo của Chính phủ: về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao. Bên hành lang, nhiều đại biểu ghi nhận nỗ lực của ngành thanh tra nhưng chưa hài lòng về việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, việc phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, mang lại hiệu quả cao, đạt được nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Trong đó, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt kết quả rất ấn tượng. Cụ thể, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6%, tăng 23% so với cùng kỳ và vượt 22,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội giao. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, (Đoàn Bắc Giang), đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Thanh tra Chính phủ. “Tôi cũng như nhiều đại biểu quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, đánh giá cao ngành Thanh tra đã có những đóng góp quan trọng đã đưa những vụ án tham nhũng ra ánh sáng để xem xét, xử lý một cách rõ ràng, minh bạch, tạo sự yên tâm, tin tưởng của đông đảo cử tri và nhân dân”, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm, kết quả mà ngành Thanh tra đạt được trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng mong mỏi cũng như kỳ vọng của cử tri cả nước. “Đòi hỏi của cử tri còn lớn hơn nhiều. Còn nhiều hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà cử tri bức xúc nêu ra nhưng cơ quan thanh tra chưa đủ sức làm rõ được hết. Đấy là thách thức đối với hoạt động thanh tra”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu thực tế.
Cho rằng công tác đấu tranh, thu hồi tài sản tham nhũng là việc làm rất khó nên bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng dành những lời tốt đẹp cho lực lượng thanh tra. Tuy nhiên, theo bà dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đều đạt tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước nhưng so với số tài sản phải thu hồi, tỷ lệ này vẫn còn thấp. “Thực tế, việc thu hồi tài sản vi phạm dù có nâng lên trong thời gian vừa qua nhưng đang ở tỷ lệ thấp. Cùng với đó là chậm tiến độ so với quy định”, bà Sửu cho biết.
Thu hồi tài sản tham nhũng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, mục đích của công tác thanh tra không phải là để cố thu hồi thật nhiều tài sản hay xử lý thật nhiều cán bộ, tổ chức cá nhân liên quan. Tuy nhiên, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản tham nhũng. Việc làm này sẽ góp phần cải thiện nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn thế, đây còn là giải pháp thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật. “Việc thu hồi tài sản tham nhũng tạo ra thước đo chính trực, công bằng, có tác dụng răn đe và giáo dục. Việc này còn là điểm sáng, nêu gương cho những tổ chức, cá nhân, giúp sàng lọc bộ máy, hạn chế việc làm sai. Bởi nếu cứ làm rồi sai phạm sẽ làm mất niềm tin, trước hết là của cán bộ công chức, viên chức trong tổ chức đó, sau đó là tới nhân dân, xã hội”, bà Sửu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cũng cho rằng thu hồi tài sản tham nhũng là việc làm khó nhưng phải làm bằng được, bởi làm tốt công tác này sẽ có tác dụng ngăn ngừa tội phạm tham nhũng. “Tôi mong Thanh tra Chính phủ nêu ra được định hướng tới đây sẽ mở rộng được về phạm vi thanh tra, nâng cao được chất lượng thanh tra, qua đó đóng góp được nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ.
Đại biểu Trần Văn Lâm cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, toàn diện cho vấn đề này. Theo ông, việc rút thăm hoặc bốc phiếu nhằm chọn ngẫu nhiên đối tượng để tiến hành thanh tra, kiểm tra về kiểm kê tài sản như đang làm chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, không triệt để.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 của Thanh tra Chính phủ được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao, đạt được nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, trong phiên chất vấn mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Trên cơ sở đó, ông hứa, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng.
Sáng nay (08/11), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng đều khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh, giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí còn kiến nghị Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu, cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục nói chung. Ông cũng kiến nghị tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có tính răn đe, giáo dục, vừa nhân văn.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị Quốc hội xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Với quyết tâm cao của những người đứng đầu ngành công an, thanh tra và kiểm sát nhân dân trước Quốc hội, chúng ta tin tưởng tội phạm về tham nhũng sẽ sớm bị đẩy lùi, tài sản tham nhũng cũng sẽ nhanh chóng được thu hồi.