Bộ Giao thông Vận tải có công văn gửi các bộ liên quan xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép thí điểm thu phí 9 tuyến đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025.

Cụ thể, 9 tuyến đường bộ cao tốc được đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm đó là: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.

Thời gian thực hiện thí điểm được kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn, tuyến đường bộ được triển khai thu phí.

Trước đó lý giải vấn đề thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư, ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khi thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, Quốc hội đều có chỉ đạo giao Chính phủ, nghiên cứu thu hồi vốn ngân sách đã đầu tư cho các tuyến cao tốc. Gần đây nhất, tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội có nêu: “Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước”.

Mặc dù bộ đã đưa ra lý giải về đề xuất này, thế nhưng chủ trương thí điểm thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã ngay lập tức trở thành câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi trong những ngày qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện các khoản thuế, phí như phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, lệ phí trước bạ... đã tính và thu theo phương tiện. Do đó, việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư liệu có phí chồng phí, có đảm bảo hài hòa lợi ích người dân?

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa hoành hành, khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, người dân gặp khó khăn, thì việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân và nền kinh tế thì cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho biết, việc thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước làm chủ đầu tư là việc cần thiết và là theo đường hướng đã vạch ra từ hàng chục năm nay.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 813 nghìn tỉ đồng.

Cũng theo TS Thịnh, không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay ở các quốc gia kinh tế phát triển thì ngân sách Nhà nước cũng không đủ để chi tiêu cho các tuyến đường bộ cao tốc và buộc phải tính toán đến việc thu phí đường bộ cao tốc mà Nhà nước đầu tư. Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục phát triển các tuyến đường bộ cao tốc cũng như phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách toàn diện, đảm bảo giải quyết những nút thắt, ách tắc về giao thông vận tải, tạo đà cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.

Với lo ngại liệu có xảy ra tình trạng phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, TS Thịnh khẳng định đây là lo ngại không cần thiết. Bởi thực tế nguồn tiền thuế mà người dân đóng góp cho ngân sách nhà nước đã được đầu tư để xây dựng nhiều cung đường khác đã và đang được sử dụng bao nhiêu năm nay.

“Việc xây dựng đường cao tốc để đáp ứng cho những doanh nghiệp và những người muốn tiết kiệm thời gian, muốn sử dụng đường có chất lượng hơn. Nếu như không muốn đi đường cao tốc có thể đi đường cũ song song không mất phí. Còn nếu đi đường cao tốc thì phải thu phí. Người dân có quyền lựa chọn tuyến đường mà minh đi”. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Để đảm bảo tính công khi minh bạch, tránh những khuất tất trong việc thu phí, cho rằng, hiện nay hoạt động thu phí thông qua các mã vạch nên không thể nào gian lận được, đó là chưa kể các công cụ giám sát cũng tương đối chặt chẽ.

Về phương pháp tổ chức thu phí, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn/tuyến cao tốc, giữa các dự án do nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, mức thu phí 9 tuyến cao tốc này sẽ được xác định trên 3 nguyên tắc.

Một là, mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.

Hai là, mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước.

Ba là, mức thu được tính toán theo từng đoạn, tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh về nguyên tắc thu phí thì phải đảm bảo lợi ích của người sử dụng luôn có chất lương tốt hơn so với đi đường cũ trước đây. Thứ hai phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân. Thứ ba phải phù hợp với điều kiện khai thác và từng khu vực, từng vùng miền để có mức thu phí hợp lý. Và điều quan trọng cũng cần lưu ý là việc thu phí trên đường cao tốc có thể chỉ nhằm bảo đảm bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng, chứ không nhằm mục đích thu lợi nhuận.