Theo quan điểm của KTS Trần Huy Ánh, việc thành phố Hồ Chí Minh áp dụng thu phí vỉa hè, lòng đường theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND từ ngày 1/9 tới đã được chuẩn bị từ lâu nhưng đây cũng chỉ có thể coi là giải pháp tình thế của chính quyền đô thị khi đối mặt với những thách thức vượt quá khả năng. Thành phố Hồ Chí Minh có hàng chục triệu xe máy và vài triệu ô tô… các đề án/ mô hình bãi đỗ xe đã có nhiều nhưng thất bại liên tiếp. Kinh tế vỉa hè không kiểm soát trong thời gian dài, nay vượt quá khả năng quản lý thì hợp thức hóa cho thuê được xem là giải pháp nhằm đảo ngược tình thế, tuy nhiên những thách thức vẫn còn ở phía trước.

Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm công khai, biến thành nơi đỗ xe, bày bán hàng hóa… là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi, nhiều địa phương và trong thực tế, việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh cũng là một nhu cầu để phục vụ đời sống. Thế nhưng, một điều không thể phủ nhận, vỉa hè, lòng đường là tài sản công. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng để kinh doanh đều phải trả phí. "Việc hợp thức hóa sử dụng đường giao thông dùng vào mục đích sinh kế là hành vi bị cấm trong Luật Giao thông đường bộ. Nếu coi việc này là đúng thì cần phải sửa điều 8 Luật Giao thông đường bộ, còn việc tạo không gian sinh kế phù hợp, hợp pháp là trách nhiệm công vụ của chính quyền thành phố. Tất cả các thành phố trên thế giới có cùng nguyên tắc đó và những thành phố làm tốt việc đó là những thành phố có nền quản trị đẳng cấp cao. Ngược lại những thành phố không làm được thì không có lý do gì chính đáng để biện minh cho sự yếu kém của mình", KTS Trần Huy Ánh nêu thực tế.

KTS Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, mục tiêu chính của thu phí vỉa hè, lòng đường không phải là nhằm mục đích tăng thu ngân sách mà thông qua việc thu phí này để chỉnh trang lại đường phố. Nhưng để tránh chuyện lợi ích nhóm từ việc thu phí này thì cần phải làm rõ những nội dung sau: "Thứ nhất, việc cho thuê vỉa hè này phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Thứ hai, không phải tuyến đường nào mình cũng cho thuê vỉa hè, bởi vì nó phải theo quy hoạch chung thành phố. Thứ ba, đối với những tuyến đường cho thuê thì mọi thứ đều phải công khai minh bạch thu chi và dùng kinh phí đó để nâng cấp cho các tuyến đường khu phố đó, người dân cần phải thấy được lợi ích của việc thu phí. Điểm thứ tư, theo tôi cần có một chính sách ưu tiên theo thứ tự. Người được ưu tiên đầu tiên thuê vỉa hè sẽ là chủ của lô đất giáp mặt tiền, ưu tiên thứ hai dành cho những người sống trong khu phố đó, 3 là có thể cho những nơi khác đến nhưng ưu tiên cho những hoạt động phù hợp với khu phố. Ví dụ như đây là khu phố phục vụ ăn uống thì ưu tiên để bán hàng ăn uống. Làm được điều này sẽ minh bạch rõ ràng, tránh được tình trạng lợi ích nhóm", KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716 km và 929 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31 km. Nếu triển khai quy định trên, số phí thu được sẽ mang lại cho ngân sách thành phố khoảng hơn 1.500 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, không phải đường nào cũng cho thuê được, đặc biệt là lòng đường. "Theo tôi dứt khoát là không cho thuê lòng đường, lòng đường là để cho xe cộ đi lại và bản thân chúng ta cũng thấy rằng các đô thị Việt Nam thì lòng đường hiện giờ diện tích giao thông quá thấp so với nhu cầu. Thứ hai là về lề đường, vỉa hè, nếu cho thuê đất thì phải chừa không gian đủ cho người đi bộ, nếu còn không gian thừa phù hợp thì mới cho thuê. Điểm thứ ba cần lưu tâm là cần đảm bảo an toàn cho cả người đi bộ, người sử dụng không gian cho thuê và thậm chí là xe cộ. Tất cả cần đảm bảo công khai, minh bạch, cần có lộ trình và triển khai một cách bài bản".

Mục đích chính của việc cho thuê lòng đường, vỉa hè hướng đến giải quyết một phần nhu cầu có thực của người dân kết hợp với quản lý trật tự đô thị và chấm dứt nạn bảo kê, lợi ích nhóm. Do vậy, bên cạnh việc thu phí, cần phải có những công cụ, giải pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần hiểu đúng, đầy đủ về bản chất sử dụng vỉa hè để đảm bảo việc kinh doanh, sinh hoạt đúng với chức năng, quy hoạch của thành phố, góp phần đem lại hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại.

Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: