Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta. Ông tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng. Ông sinh năm 1922 tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người suốt đời phấn đấu vì đất nước, vì nhân dân, lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm lẽ sống. Nhắc tới ông, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, mạnh dạn cải cách đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển đất nước trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế. Với tầm tư duy chiến lược sắc sảo, nhạy bén, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xem là một trong những "Tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước: công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Phú Mỹ, các công trình giao thông như: đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, nhà máy lọc dầu Dung Quất... Trong đó, dấu ấn vô cùng quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi thực hiện dự án đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam.

Vào thời điểm năm 1986, trong khi miền Nam - nơi có sự tiếp cận với công nghiệp sớm nhưng không thể tạo ra đột phá mạnh mẽ do điện thiếu trầm trọng thì miền Bắc lại dư dả điện năng từ thủy điện Hòa Bình. Bài toán đặt ra là làm sao điều hòa được điện chỗ thiếu chỗ thừa, làm sao tận dụng được nguồn lực quốc gia để thúc đẩy đất nước phát triển. Điểm ách tắc này đã được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt giải quyết bằng một quyết định táo bạo mà đương thời đều cho rằng không tưởng, đó là kéo một đường dây truyền tải điện đi dọc đất nước, mang điện từ miền Bắc vào miền Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhớ lại: Hồi đó câu chuyện đường dây 500kV gặp nhiều ý kiến không đồng thuận, kể cả các chuyên gia bên ngoài, những người đang nghiên cứu với những sản phẩm mang tính chất ủng hộ rất nhiều cho công cuộc đổi mới của Việt Nam. Ví dụ nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard là nhóm đầu tiên đưa ra cuốn sách "Theo hướng rồng bay" từ năm 1993 để họ góp ý cho hướng phát triển của kinh tế Việt Nam theo kinh tế thị trường thì họ viết 1 bài không đồng tình với việc làm đường dây 500kV vì cho rằng tốn kém và phi kinh tế. Tốt hơn là nên xây dựng nhà máy điện ở phía Nam.

Theo ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó Ban chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, trên thế giới chưa có đường dây siêu cao 500kV, chỉ có đường dây 400kV nhưng theo tính toán của các chuyên gia của Úc người ta tính toán có thể làm được đường dây 500kV. Vấn đề là làm trong 2 năm thì giải pháp gì, biện pháp gì, cách gì... "Đường dây này dài 1567km làm trong 2 năm và không phải đường dây bình thường mà đường dây đi dọc theo dãy núi Trường Sơn, hoàn toàn đi trên núi là chính, vượt sông vượt suối với đủ thứ trên đời mà làm trong 2 năm thì không ai tưởng tượng được".

Không bó tay trước thách thức, ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình. Để đảm bảo tiến độ đường dây 500kV, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã liên tục có mặt tại công trường thi công. Từ những cung đường Trường Sơn, đại ngàn Tây Nguyên đến đầm lầy miền Tây Nam Bộ ông đều có mặt để kịp thời động viên, khen thưởng đội thi công cũng như tháo gỡ ngay những khó khăn phát sinh.

Cuối cùng sau 2 năm nỗ lực, đường dây 500kV Bắc - Nam có chiều dài 1.567km đi qua 14 tỉnh, thành phố đã hoàn thành. Đây là khoảng thời gian mà ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng cho là không tưởng. Hai năm huy động mọi nguồn lực, chất xám của toàn dân để dựng nên một công trình thế kỉ, thống nhất hệ thống điện quốc gia, giải quyết bài toán thiếu điện nghiêm trọng ở phía Nam.

Dưới con mắt của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhận định: làm được nhiều việc như vậy cho quốc gia, cho nhân dân không chỉ là tâm, là tầm mà còn là dũng khí, là dám xé bỏ những rào cản không hợp thời để mở con đường chưa được vạch sẵn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. "Nếu không phải là người thấu hiểu cuộc sống của người dân và thiết tha lo cho cuộc sống người dân, coi đó là yêu cầu số 1 thì sẽ không dám có quyết định như vậy. Ông đã dám có một quyết định mà thời điểm đó, ngay trong Bộ Chính trị cũng còn có không ít người phản đối hoặc băn khoăn", bà Phạm Chi Lan phân tích.

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào vận hành là công trình không chỉ giúp hệ thống điện của 3 miền đất nước thống nhất. Đây là bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Mời nghe âm thanh tại đây: