Hút thuốc lá điện tử để chứng tỏ "biết ăn, biết chơi”

Chỉ cần gõ cú pháp “thuốc lá điện tử, vape, pob, thuốc lá ngậm, thuốc lá nung nóng, shisha điện tử, chức năng tìm kiếm của facebook đã cho ra hàng loạt hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên.

Trong vai khách có nhu cầu “tậu” một chiếc pob nhỏ, gọn, gọi tới số điện thoại treo trên một nhóm kín chuyên trao đổi, mua bán thuốc lá điện tử, đầu dây bên kia cho biết, những sản phẩm như vậy “cháy hàng” rất nhanh do nhu cầu lớn. Bên bán cũng cho biết, các sản phẩm thuốc lá điện tử đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng với mức giá từ 249 nghìn đồng, 400 nghìn đồng đến 670 nghìn đồng.

Dò theo địa chỉ của một trang thuốc lá điện tử trên mạng, chúng tôi có mặt tại phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đi qua tấm biển có hình chiếc “vape nhả khói”, tầng 1 bày la liệt các mẫu vape, pob.

Chủ tiệm cho biết, có nhiều sản phẩm hợp với túi tiền giới trẻ, giá “bình dân” thì 350 nghìn đồng, cao nhất là 1 triệu đồng với khoảng 12 vị khác nhau. Người này cũng tư vấn, nếu như dùng thử thì nên mua loại pob dùng một lần với hạn sử dụng 300-400 hơi. Còn nếu “tay chơi” thì mua combo có tặng kèm bộ sạc pin, túi và tinh dầu…

Vinh – sinh viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh hút thuốc lá điện tử hơn 1 năm nay tỏ ra am tường “chơi vị thì dùng pob, còn chơi khói thì dùng vape”. Lý do Vinh tìm đến thuốc lá điện tử là bởi mùi vị dễ chịu hơn thuốc lá thường…

Là một con nghiện thuốc lá, nửa năm nay, Hoàng – sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội bắt đầu chuyển sang dùng vape thay vì thuốc lá điếu. Nếu như trước đây, Hoàng tiêu tốn 300 nghìn đồng mỗi tháng để mua thuốc lá điếu thì bây giờ cậu phải trả 500 ngàn đồng mỗi tháng để sử dụng vape. Hoàng cho rằng, chuyển sang hút thuốc lá điện tử sẽ đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe hơn so với thuốc lá thông thường.

Không cần phải lích kích bật lửa, gạt tàn, một lý do khác khiến thuốc lá thế hệ mới “được lòng” giới trẻ là vì “làm một hơi là đã mở rộng được quan hệ”, thậm chí là dễ dàng để “lấy le” với bạn nữ. Hà Ánh – nữ sinh một trường CĐ nghệ thuật cho rằng con gái hút thuốc trong thời nay không còn là chuyện xa lạ. Thuốc lá giúp tăng thêm chất nghệ sĩ trong cô dù biết thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều có hại cho sức khỏe.

Theo bà Phan Thị Hải – Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, những điều tra, nghiên cứu về việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ cho thấy, việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống có tỉ lệ giảm (năm 2013 là tỉ lệ này là 3.5%, đến năm 2015 giảm xuống còn 2.8%). Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại đang gia tăng nhanh chóng trong giới trẻ.

“Trong khi chúng ta đang cố gắng giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong giới trẻ bước đầu thành công thì tỉ lệ thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng, chỉ trong vòng 5 năm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trên 15 tuổi đã từ 0.2% lên 2.9%. Đây là thách thức cho việc triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá”, bà Hải nhận định.

Những chiêu thức quảng cáo tinh vi

Hiện nay thuốc lá mới nổi, thuốc lá điện tử chưa được phép lưu hành ở Việt Nam, phần lớn trôi nổi trên thị trường hoặc từ hoạt động buôn lậu.

Bà Phan Thị Hải cho biết, trong những năm gần đây, các công ty thuốc lá đa quốc gia đã “tung” ra những chiêu thức quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử như một loại thuốc lá hỗ trợ cai nghiện, tạo ra hình ảnh bắt mắt, đánh vào tâm lý giới trẻ. Họ cũng đánh lừa người tiêu dùng rằng thuốc lá điện tử ít hại hơn thuốc lá điếu.

Theo bà Hải, đây là luận điệu của các công ty sản xuất thuốc lá. Thực tế, theo nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành, thuốc lá điện tử không ít tác hại hơn thuốc lá điếu truyền thống. Thậm chí, các sản phẩm thuốc lá mới là dung dịch chứa nicotine, khả năng thẩm thấu vào trong cơ thể, gây nghiện nhanh hơn. Các chất phối trộn có trong dung dịch của sản phẩm thuốc lá này là hơn 15.000 chất, trong đó có những chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe càng lớn.

Theo báo cáo nhiều các nước trước đây cho phép sử dụng thuốc lá điện tử nhưng nay đã cấm như Hoa Kỳ, bên cạnh những ảnh hưởng về sức khỏe, việc sử dụng các loại thuốc lá mới cũng gây ra các vụ cháy nổ, tai nạn, gây ra thương tích cho người sử dụng.

Hiện nay, các công ty thuốc lá cũng tiếp cận thanh thiếu niên qua các trang mạng xã hội, sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng để quảng cáo các sản phẩm này.

Việt Nam đã cấm hoàn toàn việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa quản lý tốt việc quảng cáo sản phẩm này trên các nền tảng mạng xã hội. Đây chính là “lỗ hổng” để ngành công nghiệp thuốc lá “đánh” vào giới trẻ.

Bà Hải cũng cho biết, các hoạt động lén lút sử dụng thanh thiếu niên để vừa sử dụng thuốc lá nhưng cũng đi bán các sản phẩm thuốc lá này đang phổ biến. Với chiêu thức quảng cáo tinh vi như vậy nên tỉ lệ sử dụng thuốc lá không chỉ tăng cao ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trong khu vực và thế giới. Đơn cử như Mỹ, trong vòng 2 năm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 11.7% (năm 2017) lên 27% (năm 2019).

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Bà Hải cho biết, trong tháng 5 -2021, Bộ Y tế đã gửi bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh nhấn mạnh về vấn đề phòng chống thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trong giới trẻ. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ GD&ĐT để đưa các quy định tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động trường học của học sinh để ngăn ngừa các em sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử.

Bộ Y tế cũng gửi văn bản tới Cục Quản lý thị trường của Bộ công thương, tổ chức các đợt truy quét xử phạt các tổ chức, cá nhân buôn bán sản phẩm nhập khẩu trái phép sản phẩm này trên thị trường. Đồng thời, gửi văn bản đề nghị Chính phủ về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm cho phép lưu hành sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.

Bộ Y tế tổ chức nhiều cuộc họp hội thảo tuyên truyền về tác hại của sản phẩm này. Tăng cường việc truyền thông về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ.

Chúng tôi cũng phối hợp với trung ương đoàn phát động các chiến dịch truyền thông “Thanh thiếu niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”, tổ chức các cuộc thi sáng tác clip về tác hại của thuốc lá điện tử trên mạng xã hội cũng như nền tảng tiktok.

Theo bà Hải để thực thi tốt Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cần có những biện pháp “cứng rắn”. Về mặt chính sách cần tăng thuế thuốc lá. “Chúng ta đã từng tăng thuế, tuy nhiên trong một thời gian dài chúng ta không tăng thuế thuốc lá, vì vậy giá thuốc lá Việt Nam so với các nước trong khu vực rất thấp”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), giá thuế đánh trên giá thuốc lá chiếm 60-80% giá bản lẻ của các sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên đến nay ở ta chỉ có 35-39%.

Bà Hải cũng cho rằng cần nghiên cứu để tăng diện tích cảnh báo sức khỏe trên các bao bì sản phẩm thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời, cần có chính sách mạnh mẽ trong việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử nung nóng, shisha trên thị trường, cần tiếp tục triển khai hoạt động môi trường không khói thuốc, tăng cường kiểm tra xử phạt việc thực thi các quy định của luật phòng chống tác hại thuốc lá./.

Nghe chương trình tại đây: