Thủ tục hành chính không còn hành....là chính

Anh Nguyễn Tiến Hoàng đến bộ phận một cửa của UBND phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội để làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con. Với sự hướng dẫn của công chức tư pháp - hộ tịch phường, anh đã sử dụng điện thoại thông minh để khai báo thông tin tại phần mềm liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT theo quy định. Sau vài thao tác đơn giản, anh đã hoàn thành thủ tục đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh và 600.000 hồ sơ đăng ký khai tử. Giải quyết các phần việc này thuộc thẩm quyền của nhiều bộ, ngành: Công an, y tế, bảo hiểm xã hội, tư pháp, lao động thương binh xã hội.

Từ tháng 11/2022, 2 địa phương là Hà Nội, Hà Nam đã được thí điểm thực hiện hai nhóm dịch vụ công liên thông gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí... Chỉ khai báo thông tin một lần cho cả 3 thủ tục và cơ quan quản lý nhà nước tiết giảm tối thiểu chi phí in sao cũng như thời gian luân chuyển hồ sơ, khắc phục sai sót, hạn chế tình trạng làm giả hồ sơ... Hiệu quả thiết thực từ đợt thí điểm này đã tiếp thêm động lực để các nhóm thủ tục liên thông được triển khai khắp cả nước từ quý I/2023.

Rất nhiều tiện ích khác đã bắt nhịp cùng đời sống từ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Từ mua sắm đến các giao dịch ngân hàng, từ thi cử học hành đến các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân và gia đình, người dân hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công trực tuyến của một số bộ, ngành, trên các trang web và các ứng dụng được các bên liên quan cung cấp. Chị Nguyễn Thị Tuyết Ngọc ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Em làm hồ sơ trong buổi sáng có thể chiều là em đã nhận được giấy phép thành lập doanh nghiệp. Ngoài giấy phép thành lập doanh nghiệp em nhận luôn con dấu của doanh nghiệp và mã số thuế cũng với mã của bảo hiểm xã hội”

Hiện nay, khoảng 70% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Số hồ sơ trực tuyến đối với các bộ ngành tăng 1,5 lần, đối với địa phương tăng 1,8 lần so với năm 2022.

Xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2022 của Liên hợp quốc, Việt Nam nằm thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Việt Nam duy trì tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020, từ vị trí 99 lên 86. Dù khoảng cách với các quốc gia nhóm đầu vẫn còn xa, chỉ số EGDI của Việt Nam đã cao hơn mức trung bình toàn cầu và khu vực.

Nhìn lại quá trình chuyển đổi số, cải cách dịch vụ công trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng: “công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp”.

Những điểm nghẽn

Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ công trực tuyến chưa tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng, thậm chí còn gây ra nhiều bất tiện. Đơn cử như việc hệ thống đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe liên tục bị lỗi hồi đầu năm. Nhìn nhận thực trạng này, ông Nguyễn Hùng Huế thừa nhận: ở một số thủ tục hành chính, người dân vẫn phải đi lại nhiều lần hoặc vẫn phải vừa nộp hồ sơ điện tử, vừa nộp hồ sơ giấy.

Thêm vào đó, thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực đặc thù của các bộ, ngành chưa được cắt giảm tối ưu. Vẫn còn nhiều yêu cầu thao tác phức tạp khiến người dùng gặp khó khăn khi thực hiện nhiều thủ tục trên môi trường số. Bên cạnh đó, việc liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với các bộ, ngành và Cổng Dịch vụ Công quốc gia vẫn còn là một điểm nghẽn.

66% thủ tục hành chính nghĩa là khoảng 4.300 dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành được công bố trong nhiều cuộc họp trực tuyến, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng chưa thuận tiện cho khai thác điện tử, chưa khiến người sử dụng yên tâm khi thực hiện thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, người dân mới chỉ tập trung vào các dịch vụ công thiết yếu trên Cổng, khoảng trên 25% cũng do một số địa phương, bộ, ngành còn chần chừ, chậm trễ trong chia sẻ dữ liệu, kết nối dùng chung. “Dữ liệu là tài nguyên”, nên vẫn tiếp diễn tình trạng cát cứ, luyến tiếc, “câu giờ” trước yêu cầu đồng bộ hóa vào hệ thống.

“Hiện nay chúng ta chưa có đủ thể chế thực hiện chuyển đổi số thực sự hiệu quả. Thứ 2 nữa là vấn đề về hạ tầng. Chúng ta đã có nỗ lực trong thời gian vừa qua nhưng hạ tầng nhất là vấn đề kết nối chia sẻ dữ liệu. Thứ 3 nữa là vấn đề dữ liệu, dữ liệu là 1 tài nguyên trong cách mạng số tuy nhiên hiện nay để có dữ liệu “đúng, đủ , sạch, sống” phục vụ cho quá trình giải quyết thủ tục hành chính cũng như quản lý nhà nước, cũng như lĩnh vực khác chúng ta còn rất yếu” – ông Nguyễn Hùng Huế phân tích.

Tính đến hết tháng 12/2021, tỷ lệ người dân thành thị sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến chiếm 12,16%, khu vực nông thôn 4,03%. Xét theo nhóm tuổi, chỉ 1,5% người trên 60 tuổi sử dụng. Nhóm tuổi 25-29, cao nhất, cũng chỉ đạt 12,09%.

Cải cách hành chính nói chung và trên môi trường số nói riêng còn ì ạch bởi vẫn nhiều rào cản Một trong số đó phải kể đến yếu tố đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ công quyền.

“Ở một số cơ quan đơn vị, công chức vẫn còn níu kéo, vẫn còn sức ì và vẫn còn tình trạng mong muốn xin – cho vì khi chúng ta làm trực tuyến thì giảm tiếp xúc, và gần như cái đấy thì sẽ khó khăn hơn cho nhũng nhiễu tiêu cực. Và như thế sẽ ngại cải cách, ngại tái cấu trúc quy trình, ngại hoàn thiện thể chế” –­ ông Huế nói.

Đẩy nhanh tốc độ số hóa thủ tục hành chính

Để đẩy nhanh tốc độ số hóa thủ tục hành chính, trước hết phải phát huy yếu tố con người, con người chính là chủ thể của quá trình chuyển đổi số. Con người ở đây gồm cán bộ công chức, và người dân doanh nghiệp.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị số 19 yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với công tác chuyển đổi số. Theo đó, người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số; Coi chuyển đổi số là “động lực” quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Một trong những định hướng rất rõ mà tỉnh phải quan tâm chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Đó là tập trung vào những cái Quảng Ngãi còn yếu, cụ thể đó là những chỉ số còn thấp so với cả nước. Đó là vấn đề kinh tế số, các vấn đề liên quan đến hạ tầng. Tỉnh đã đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông có sự hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tốt hơn.” – đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.

Một số nội dung khác mà ông Nguyễn Hùng Huế Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng cần tập trung giải quyết trong lộ trình số hóa thủ tục hành chính đó là: vấn đề dữ liệu. Theo ông Huế, dữ liệu là tài nguyên chiến lược của cách mạng 4.0, nếu không có dữ liệu cũng giống như là không có đất đai thì hạ tầng của chúng ta không làm được việc gì.

Thêm nữa là vấn đề về cải cách, cải cách phải đi đầu, nếu bê nguyên xi hiện trạng giấy lên điện tử sẽ không đạt được mục tiêu thuận lợi, đơn giản cho người sử dụng. Và cuối cùng là tư duy về hoàn thiện thể chế. 1 thời gian rất dài chúng ta quen với môi trường giấy nên trong rất nhiều văn bản, nhiều quy định hiện nay chỉ thích hợp cho làm việc trên môi trường giấy, vì vậy chúng ta phải thay đổi thể chế - ông Huế nói.

Số hóa thủ tục hành chính vốn không đơn giản với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trong quá trình thực hiện, việc phải trải qua giai đoạn nửa vời như hiện nay là điều dễ hiểu; quan trọng là nỗ lực khắc phục và nâng cấp liên tục để dịch vụ ngày một thông minh, dễ sử dụng và thực sự đặt người dân làm trung tâm.