Tiết kiệm là cần thiết, hiệu quả mới quan trọng

Quy mô nền kinh tế nước ta đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Kéo theo đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng.

"Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 20 về công tác thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" - ông Vũ phát biểu.

Tại tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng ngày 25/6, các chuyên gia đã làm rõ vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, "tiết kiệm" là việc tổ chức sử dụng hợp lý để giảm tiêu hao năng lượng nhưng vẫn đạt được hiệu quả đề ra. "Tiết kiệm không có nghĩa là không dùng" - ông Tuấn nói.

Bức tranh phát triển kinh tế của đất nước luôn gắn liền với ngành năng lượng. "Chúng ta thử so sánh thiết bị điện trong gia đình luôn tăng hàng năm, không chỉ quạt mát mà còn điều hòa, rồi máy sưởi, tủ lạnh...Điều đó có nghĩa tiêu thụ năng lượng sẽ ngày càng cao" - chuyên gia Đào Nhật Đình phân tích. Theo ông, đối với người Việt, nếu chỉ nhấn mạnh về "sử dụng hiệu quả" thì chưa đủ, nên dùng chữ "tiết kiệm" sẽ dễ hiểu và có tác dụng ngay. "Hiệu quả" là mang tính bao quát, đánh giá chung về nền kinh tế, thường thì các nền kinh tế giàu sẽ có hiệu quả hơn các nền kinh tế nghèo. Vì vậy, tiết kiệm là cần thiết và làm trước tiên.

Kể từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng và có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2015-2020, đạt mức nhập khẩu kỷ lục vào năm 2020 với 53.605 KTOE (nghìn tấn dầu quy đổi).

Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách then chốt cho phát triển năng lượng bền vững với 4 trụ cột chính, đó là “tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, thị trường năng lượng và biến đổi khí hậu.”

"Việc tiết kiệm chính là khoản đầu tư đầu tiên. Năng lượng tiêu thụ ít đi có nghĩa là chúng ta giảm được giá thành. Đối với các các dự án sẽ giúp giảm đầu tư mới và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu" - chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm.

Trên cơ sở các chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, của Chính phủ, Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội trước mắt, cũng như lâu dài.

Truyền thông góp phần thay đổi nhận thức và hành động

Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với nòng cốt là những nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước.

Ông Trịnh Quốc Vũ ghi nhận, trong những năm qua, với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có sức lan toả mạnh mẽ, giúp cộng đồng biến nhận thức thành hành động, từ hành động trở thành thói quen.

Thông qua ngòi bút của mình, các nhà báo, phóng viên đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát hiện những điển hình tiên tiến, những sáng kiến; Phản ánh được những khó khăn, thách thức trong việc triển khai công tác thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. "Các bài viết đó đã giúp cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh những chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả" - ông Vũ cho biết.

Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, cần tuyên truyền để làm sao sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Đó là cần có các biểu tượng cụ thể như sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng, không nghe những quảng cáo thổi phồng về thiết bị không tiêu tốn điện.

TS Lê Anh Tuấn - Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực cho rằng, việc chủ động cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý, sự đầu tư nghiên cứu của phóng viên, nhà báo và sự sẵn sàng của chuyên gia trong việc chia sẻ, phản biện chính sách sẽ đem lại hiệu quả trong truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trường Đại học Điện lực cũng đã xây dựng môn học về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đưa vào giảng dạy cho tất cả các ngành học ở trong trường. "Đây là sự thay đổi và tôi tin việc giáo dục cho các bạn trẻ sẽ có tác động đến hành vi tiêu dùng của các thành viên trong gia đình khi đi mua thiết bị điện" - TS Lê Anh Tuấn mong muốn kiến thức về năng lượng sẽ được truyền bá sâu hơn, rõ hơn cho thế hệ sau./.