Mời nghe chương trình tại đây:

Nằm ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa, Như Xuân là huyện miền núi với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, tuyến đường dây 220kV và 500kV đi qua đây vẫn ngày đêm hoạt động ổn định. Phía sau sự ổn định ấy là mồ hôi, công sức và đôi khi cả máu của những người công nhân truyền tải điện - những "chiến sĩ thời bình" luôn sẵn sàng bám trụ trên những cung đường hiểm trở.

Địa hình ở đây đi lại rất vất vả nhất là khi trời mưa gió, nỗi lo đường trơn trượt, rồi vắt, muỗi lại càng tăng. Có những vị trí cột cao, đèo dốc hiểm trở không đi được ô tô, xe máy người lính truyền tải phải đi bộ mất nửa ngày trời mới tới nơi.

Nói như anh Nguyễn Khắc Thành - đội truyền tải điện Như Xuân - truyền tải điện Thanh Hóa, công việc dẫu không ồn ào, không hào nhoáng như nhiều công việc khác nhưng những người thợ đường dây ở đây vẫn bền bỉ như cột trụ, kiên cường trước gió mưa, sét giật.

Những chiếc áo cam phản quang đã bạc màu, đôi ủng cao su lấm bùn, và những ánh mắt quen đối diện với nguy hiểm – tất cả tạo nên một bức tranh rất thật về người lính truyền tải điện.“Làm nghề này, ngoài chuyên môn, còn phải có lòng dũng cảm. Nhưng cái giữ mình lại trên cột điện không chỉ là sợi dây an toàn – mà là đồng đội đứng dưới, đang dõi theo từng bước. Ở trên cao, một cái trượt tay thôi là rơi vào nguy hiểm. Nhưng biết rằng phía dưới có anh em mình, mình yên tâm hơn”, anh Thành chia sẻ.

Giữa thiên nhiên khắc nghiệt và công việc vất vả, điều níu giữ và tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người chính là tình đồng đội. Đó không chỉ là sự phối hợp công việc, mà còn là một thứ tình cảm thiêng liêng, gắn bó, chở che và sẻ chia như những người thân ruột thịt. Đó cũng chính là động lực để anh Nguyễn Sơn Hà vượt mọi khó khăn để gắn bó với ngành truyền tải điện suốt hơn 30 năm qua.

“Tình đồng đội, đồng chí rất gắn bó, anh em đi làm suốt ngày trên rừng, chiều tối về mới có bữa cơm sum họp cùng nhau, những lúc rảnh rỗi lại cùng đàn ca sáo nhị với nhau trong khuôn viên của đội. Mình cảm nhận đó là một sự gắn bó, tình đồng chí, đồng đội. Mọi người đều thương yêu nhau vì cùng cảnh xa nhà”, anh Hà tâm sự.

Ngoài giờ làm việc, họ lại là những người anh, người bạn, người thầy. Những bữa cơm tập thể nơi lán trại, những lần chia nhau chiếc áo mưa trong chuyến công tác dài ngày, những đêm thức cùng nhau vì có người ốm… tất cả tạo nên một khối gắn kết không thể tách rời.

Anh Lê Hồng Phương vẫn còn nhớ như in bữa ăn được đồng đội và cũng là người quản lý của mình hỗ trợ. Có kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.

“Cách đầy gần 20 năm, khi đó tôi đang ở đội Mục Sơn, lúc đi ăn thì mới biết hết sạch tiền, đang không biết làm thế nào, may gặp được đồng chí Bình – sau này là đội trưởng của tôi đến đưa cho 200 nghìn để chúng tôi ăn uống. Lúc đó số tiền này là lớn. Anh em giúp đỡ nhau mà không cần toan tính, nghĩ ngợi gì. Đúng là nắng hạn gặp mưa rào. Đó là kỷ niệm về tình anh em của người lính truyền tải mà tôi không bao giờ quên”, anh Phương nhớ lại.

Tình đồng đội – đó không phải là khẩu hiệu. Đó là máu chảy trong nghề. Bởi nghề này không có chỗ cho sự lơ là, không có chỗ cho cá nhân. Chỉ một người lơi tay là cả hệ thống có thể gặp nguy. Nhưng khi có nhau họ mạnh mẽ như thép, bền bỉ như dòng điện. Anh Nguyễn Thanh Bình – đội trưởng đội truyền tải điện Như Xuân chia sẻ: “chúng tôi có một nguyên tắc bất thành văn đó là không bỏ nhau lại phía sau. Dù là leo cột, hay đi rừng, băng đồng phải đủ người, đủ mặt. Người cuối cùng chưa xuống thì người đầu tiên chưa rời vị trí”.

Có lẽ, điều đáng quý nhất của người lính truyền tải không chỉ là tinh thần trách nhiệm, mà chính là tình người, tình đồng chí, đồng đội - thứ keo sơn gắn kết họ lại như một thể thống nhất. Những người lính truyền tải không ngại gian khổ, bởi họ biết bên cạnh mình luôn có những người đồng đội cùng chia sẻ, cùng vượt qua. Chính sự gắn bó ấy đã tạo nên một “bức tường thành” vững chãi, giữ cho dòng điện quốc gia luôn ổn định và an toàn./.