Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống một cuộc đời hết sức liêm chính và vô tư. Đây là một trong những phẩm chất mà ông Nguyễn Bá Thi - người họ hàng với Tổng Bí thư, ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, rất ngưỡng mộ ở vị lãnh đạo của chúng ta. Chia sẻ với phóng viên VOV2, ông Thi cho biết phẩm chất cao quý ấy được thể hiện rất rõ trong một lần Tổng Bí thư gặp gỡ bà con tại nhà thờ họ và được gợi ý tìm nguồn hỗ trợ để làm đường làng.
Phóng viên: Thưa ông! Được biết ông là người trong họ, cùng quê, cùng tầm tuổi và từng tiếp xúc nhiều lần với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với Tổng Bí thư?
Ông Nguyễn Bá Thi: Cách đây khoảng 20 năm, khi đó làng này chưa có đường bê-tông hết cả con đường mà chỉ có ở một số đoạn trong làng. Hôm đó, trong họ giỗ tổ thì bác Trọng về thắp hương tại nhà thờ tổ. Mọi khi bác cũng hay về vào dịp giỗ tổ và tết. Khi mọi người ngồi quây quần uống nước, nói chuyện này chuyện kia mang tính chất vui vẻ, có một ông bảo “Bác Trọng ơi, bác xem hai đầu làng mình, ngày trước bà con góp tiền làm được một số đường đoạn bê-tông. Còn hai đầu đường làng, mới chỉ mua được ít gạch, đất sỏi đổ làm cho cứng, ô tô đi lại nhiều giờ cũng hỏng hết rồi. Mùa nắng đi bui mù ra!”. Mọi người cũng chỉ nói vậy thôi, chứ không bảo bác giúp. Vì coi bác là người trong nhà, trong họ nên mọi người nói nửa đùa nửa thật như thế. Bác Trọng chỉ nói “Miền núi, người ta còn khổ hơn nhiều!”. Bác cũng coi mọi người trong họ là người thân thiết nên cũng bày tỏ như thế.
Phóng viên: Lúc đó thì quan điểm của ông như thế nào về việc Tổng Bí thư từ chối tìm nguồn hỗ trợ làm đường làng cho người dân Lại Đà?
Ông Nguyễn Bá Thi: Tôi đồng tình ủng hộ bác Trọng ứng xử như thế. Tôi cũng có con làm phóng viên, con tôi đi lên tỉnh Điện Biên, tới các vùng xa xôi. Cháu về kể rằng ở trên đấy, người dân nhiều nơi rất khổ. Cháu chứng kiến có những em nhỏ có áo thì không có quần. Khi tỉnh Điện Biên và Lai Châu tách ra, có nơi có tình trạng trạm xá bên này được trang bị cái ống nghe, còn trạm xá bên kia thì được cái bàn đẻ… So với quê hương Lại Đà, như thế là quá sướng rồi. Từ chuyện đấy, tôi nói với các con, cháu nhà mình rằng muốn đất nước tiến lên thì phải có tinh thần ham học, khiêm tốn, giản dị, đức độ và hòa mình với mọi người.
Phóng viên: Từ câu chuyện này, ông nghĩ sao về con người Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Ông Nguyễn Bá Thi: Tôi nghĩ bác Trọng có tầm nhìn lớn. Bác Trọng nghĩ cái lớn mà trong cái lớn thì có cái nhỏ. Đất nước tiến lên thì gia đình sẽ yên ấm. Bác muốn lo cho cả đất nước, chứ không chỉ riêng chỗ nào, mà quê mình còn đang hơn nhiều chỗ khác rồi. Muốn đất nước tiến lên thì phải đàng hoàng, phải vô tư trong việc đấy. Hai chỗ đầu đường - chỗ mà có người gợi ý bác tìm nguồn hỗ trợ vật liệu ấy, sau đó cũng đổ bê-tông bằng nguồn đóng góp của người dân. Khi đó, tôi còn đang làm việc ở ban xây dựng của địa phương, tôi cũng ra đấy lăn lội đổ bê-tông cùng bà con trong làng. Sau này, Nhà nước có kế hoạch phủ nhựa thì họ phủ luôn lên trên, cũng không bị lãng phí. Từ câu chuyện ấy cho thấy bác Trọng rất liêm khiết. Bác ấy không vơ gì về cho riêng bản thân mình đã đành rồi, cả địa phương cũng vậy. Bác yêu quê mình không có nghĩa là bác phải đem cái gì về cho làng, phải vơ về chia địa phương mình. Bác làm thế rất được lòng dân. Không chỉ người trong làng Lại Đà mà ai cũng vậy, nhất là những người có hiểu biết, họ càng quý mến và kính nể bác Trọng ở cách nghĩ như thế. Xã Đông Hội có 6 thôn. 5 thôn đều rất khang trang. Riêng thôn này có những cái chưa làm được như các thôn khác nên có một số người từng nói rằng “thôn mình chả bằng thôn nào”. Sau này, họ tìm hiểu mới biết có những việc chưa làm được vì liên quan đến quy hoạch của thành phố, địa phương phải chấp hành nghiêm chỉnh. Nói chung, tôi cũng như nhiều người dân, rất tự hào về bác Trọng - một tấm gương về sự liêm chính, chí công vô tư, không ngừng học tập.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nghe cuộc trao đổi dưới đây: