Với những dòng thư tuyệt mệnh của em nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) : “Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần các bạn khác. Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi còn nhỏ, nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ. Nay em sẽ lấy sinh mạng bản thân đề chứng minh lời nói là thật” đã khiến chúng ta phải giật mình suy nghĩ sâu xa hơn về cách hành xử giữa nhà trường với học sinh cũng như ngược lại. Qua sự việc này, nhà trường, giáo viên và gia đình cần rút ra bài học kinh nghiệm gì? Phóng viên chương trình đã trao đổi với ông Dương Văn Bá, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên:

Phóng Viên: Thưa ông Dương Văn Bá, qua những sự việc này ông thấy gì từ cách hành xử cũng như là phương pháp giáo dục mà nhiều trường, nhiều thầy, cô giáo đang thực hiện hiện nay?

Ông Dương Văn Bá: Có nhiều trường hiện nay và nhiều thầy cô giáo đang áp dụng phương pháp khá lỗi thời, đặc biệt có các chủ quan của mình trong việc xử lý các tình huống, cái kĩ năng ứng xử, xử lý các tình huống của giáo viên và của nhà trường đâu đó còn hạn chế. Chính vì vậy tôi cho rằng nhà trường cũng như giáo viên cần phải có sự cập nhật và đặc biệt là thay đổi phương pháp giáo dục, đặc biệt bây giờ nổi lên rất mạnh là “ Phương pháp giáo dục tích cực”

Phóng viên: Cách hành xử, áp dụng hình thức kỉ luật của nhà trường bằng việc nêu tên học sinh trước toàn trường như vậy là chưa đúng với quy định tại Thông tư 32 của BGDĐT ban hành ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tuy nhiên cách em học sinh này chọn cái chết để khẳng định mình cũng là một suy nghĩ quá tiêu cực. Ông nghĩ sao về tâm sinh lý của các em học sinh hiện nay, về cách mà một số em học sinh chọn lựa để đối đầu với những điều mình cho là không đúng.

Ông Dương Văn Bá: Theo tôi trong lứa tuổi cấp 3 nói chung thì các em học sinh còn bước vào một giai đoan khủng hoảng về tâm sinh lý để chuẩn bị bước vào gia đoạn chuẩn bị làm người lớn. Giai đoạn này vẫn không còn là em nhưng cũng chưa trở thành người lớn. Chính đây là giai đoạn mà rất cần sự hỗ trợ của các bên trong đó có bố mẹ, gia đình và thầy cô giáo. Việc các em có những hành động tiêu cực như vậy thì xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chúng tôi cho rằng là với cái cách xử lý của những thầy cô giáo hay của người lớn với các em học sinh này mà phiến diện, tiêu cực thì các em sẽ nghĩ đến việc đối phó lại với tiêu cực. Đối với việc nhà trường, phụ huynh hay giáo viên ứng xử một cách tích cực thì chắc chắn học sinh sẽ có tâm lý ứng xử tích cực lại. Mà không chỉ các bạn nhỏ đâu nếu mà người lớn bị áp lực quá về mặt tinh thần thì cũng có những bức xúc. Tôi cho rằng đây là một tâm lý mà lứa tuổi này cần phải đối mặt.

Phóng viên: Từ việc em học sinh phản đối không chấp hành hình thức viết bản kiểm điểm cho đến việc chọn cái chết như vậy thì ông có nghĩ rằng ngày nay nhiều em học sinh vì cái tôi quá cao, nên có những hành động thái quá, bất chấp tính mạng của mình như vậy? Sự việc này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến chúng ta phải lưu tâm hơn để tránh tạo thành hệ lụy xấu?

Ông Dương Văn Bá: Đúng là các em đã có suy nghĩ và hành động thái quá đối với sự việc đã xảy ra, tuy nhiên thì điều này cũng không trách được các em vì kĩ năng xử lý các vấn đề của học sinh rất yếu. Thứ hai nữa hiện hiện nay tâm lý của các em không giống ngày xưa, ngày xưa cũng có những chuyện như vậy nhưng mà không đến mức phải phản ứng thái quá và có những hành động tiêu cực như vậy. Nhưng hiện nay học sinh bị áp lực bởi nhiều vấn đề trong đó có mạng xã hội, chính những điều này đẩy các em lên một nấc thang mới mà không tự mình gỡ ra được và tìm đến một cách kết liễu cuộc sống của mình. Cái quan trọng là các em không tìm ra lối thoát để giải quyết vấn đề.

Phóng viên: Thưa ông Dương Văn Bá, hiện nay gia đình nữ sinh lớp 10 ở An Giang cũng đã làm đơn tố cáo gửi Công an đề nghị làm rõ vụ việc vì cho rằng em Y đã bị thầy cô xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, gây oan ức... dẫn đến hậu quả tự tử. Dưới cương vị là một người công tác trong ngành giáo dục bao năm nay, ông Dương Văn Bá nghĩ gì về hành động này từ phía gia đình em nữ sinh? Ông có đồng tình với việc này hay không? Một số ý kiến lại cho rằng lúc này gia đình cần phải quan tâm hơn, làm chỗ dựa và làm công tác tâm lý cho em nữ sinh này hơn là việc truy cứu đến cùng sự việc. Điều này cũng cho thấy ở một góc độ khác thì từ gia đình, học sinh và nhà trường đã không còn niềm tin và không có sự cảm thông, chia sẻ.

Ông Dương Văn Bá: Việc xử lý của nhà trường hay là giáo viên chủ nhiệm thì chưa phù hợp và đâu đó vẫn còn những cái sơ suất, sai lầm, tuy nhiên thì trong đó vẫn có phần trách nhiệm của học sinh và gia đình. Việc đưa nhau ra tòa không phải là một phương pháp giáo dục tốt đối với con em mình. Tôi nghĩ rằng gia đình cần sát cánh hơn với con mình, cần phải trao đổi với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm để cùng thông cảm, cùng tìm ra hướng hỗ trợ khi mà học sinh đang chịu một áp lực như thế. Quan trọng nhất là giúp cho em học sinh đó giải tỏa được tâm lý trở lại cuộc sống bình thường và giúp cho các em học tốt lên. Nếu đôi bên cùng căng lên thì tâm lý rất là nặng nề đối với chính bản thân con em của mình.

Phóng viên: Qua sự việc này thì theo ông cả nhà trường, phụ huynh cũng như bản thân các em học sinh cần phải rút ra những bài học, những kinh nghiệm gì trong việc dạy và học? Quan điểm của tôi là giáo viên có quyền trách phạt, kỷ luật khi học sinh mắc lỗi để có thể răn đe các em, nhưng kỷ luật trong giáo dục là kỷ luật hành vi chứ không phải xúc phạm người đó và tôi cũng không ủng hộ việc nêu tên học sinh lên trước toàn trường như vậy?

Ông Dương Văn Bá: Phương pháp nêu tên học sinh trong toàn trường và trước lớp thì đã rất lạc hậu rồi và tôi cho rằng phương pháp đó không phù hợp nữa. Tại Thông Tư 32 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các hình thức kỉ luật của nhà trường áp dụng thì cũng không còn hình thức kỉ luật nêu tên như vậy. Qua sự việc này thì tất cả các bên cùng phải rút kinh nghiệm, nhà trường và các thầy cô giáo phải thực sự cầu thị để lắng nghe và điều chỉnh phương pháp của mình. Về phía gia đình cũng cần lắng nghe và sát cánh, hỗ trợ con em mình và trở thành chỗ dựa vững chắc cho con khi mà không may các con gặp khó khăn trong xã hội và nhà trường. Tất cả các bên cần nâng cao kĩ năng xử lý vấn đề của mình, đặc biệt là phụ huynh cần phải cho con em mình học những lớp kỹ năng sống, kĩ năng đối diện các vấn đề để các em có thể chủ động và tự mình giải quyết được nó.

Phóng viên: Vâng, giáo dục bằng tình yêu thương là con đường giáo dục ngắn nhất và thành công nhất. Giáo viên không chỉ là người truyền tải kiến thức cho học sinh mà còn là người thắp lên trong lòng các em những ngọn lửa. “Đã làm thầy, xin đừng đi chệch quỹ đạo làm thầy”. Những ám ảnh, những nỗi đau hay những ân tình của thời niên thiếu có thể sẽ quyết định đến một ngã rẽ cuộc đời của mỗi người… Tuy nhiên về phía học sinh và phụ huynh học sinh cũng không nên nhìn sự việc quá tiêu cực, đừng đẩy cái tôi lên quá cao để rồi người chịu thiệt thòi nhất lại chính là bản thân mình. Xin trân trọng cảm ơn ông Dương Văn Bá.

Liên quan đến vụ việc nữ sinh Y, học sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử do bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức bêu tên trước cờ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là sự việc đau lòng, không mong muốn.

TS Nguyễn Tùng Lâm đặt ra câu hỏi: Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó hướng dẫn về hình thức khen thưởng cũng như kỷ luật học sinh đã bỏ hình thức nêu tên trước toàn trường, vậy tại sao Ban giám hiệu nhà trường lại không biết, hay là biết nhưng vẫn cố tình làm theo cách kỉ luật cũ, bất chấp quy chế. Hiện nay các nhà trường đều nêu cao khẩu hiệu tình thương, kỷ cương, tại sao lại bắt học sinh phải nghe thầy cô giáo mà không tôn trọng ý kiến của các em. Bản thân Ban giám hiệu nhà trường và thầy cô giáo cần phải đến gặp gia đình em Y để nhận lỗi.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN phân tích: Đây là độ tuổi các em rất nhạy cảm vì vậy ngoài việc là người truyền chữ thì các thầy cô giáo cũng cần phải có hiểu biết nhất định về tâm sinh lý của học sinh.

Giáo viên cần phải được trang bị một số kĩ năng cần thiết như: Kỹ năng nhận diện quản thúc bản thân và kỹ năng để nhận diện đối với những bạn học sinh có khó khăn về tâm lý để tránh những hành động bột phát và có suy nghĩ tiêu cực. Giáo viên cũng cần phát triển những kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.

PGS. TS Trần Thanh Nam cũng tỏ ra quan ngại về hành động tiêu cực này của em nữ sinh Y có thể tạo thành tiền lệ xấu ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì.