Trước kia, Trạm 220kv Vĩnh Yên - thuộc Truyền tải điện Tây Bắc - Công ty Truyền tải điện 1 được biên chế 17 người, làm việc theo chế độ 3 ca, 5 kíp. Từ khi chuyển sang trạm biến áp không người trực, trạm chỉ còn 5 người nhưng khối lượng công việc không giảm thậm chí còn tăng lên. Anh Bùi Quang Tuyến - trưởng kíp 4/5 - tổ thao tác lưu động 220kv Vĩnh Yên - cho biết: Trước đây, các trạm biến áp vận hành theo kiểu truyền thống, toàn bộ thiết bị được điều khiển bằng tay, việc theo dõi, ghi thông số vận hành được nhân viên vận hành xem trực tiếp trên đồng hồ, các ô đèn trên tủ bảng…việc này mất nhiều thời gian và công sức.

Từ khi chuyển sang mô hình trạm biến áp (TBA) không người trực, việc phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn rất nhiều. Trên màn hình luôn hiển thị 3 mức cảnh báo thiết bị. Tùy theo mức độ khẩn cấp, các chuông báo động sẽ được kích hoạt và nhân viên trực vận hành sẽ kiểm tra trên hệ thống máy tính để phát hiện sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, thời gian nhanh chóng, chính xác.

Với mục tiêu đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để từng bước thích ứng với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trạm biến áp được nâng cấp các thiết bị như: rơ le, đồng hồ đo lường đa chức năng, xây dựng hệ thống điều khiển máy tính, bổ sung các hệ thống phụ trợ như: hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy…Anh Bùi Sơn Tùng - Tổ thao tác lưu động Vĩnh Yên cho biết, nếu như trước đây, khi xảy ra sự cố, các nhân viên kỹ thuật phải thông qua khách hàng phản ánh hoặc dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố...thì nay với hệ thống điều hành hiện đại, nhân viên trực vận hành sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố hoặc cảnh báo sự cố, thông qua còi báo động của phần mềm điều khiển, góp phần giảm thời gian xử lý sự cố, nhanh chóng cung cấp điện trở lại, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy. Từ đó giảm tối đa khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo.

Việc chuyển từ trạm biến áp truyền thống sang trạm biến áp không người trực được xem là giải pháp tối ưu phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay của ngành điện. Với hệ thống điều hành SCADA trạm biến áp không người trực đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như trong công tác quản lý vận hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì, bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, chi phí vận hành hệ thống, nhưng năng suất lao động lại được nâng cao.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA, giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo. "Việc vận hành TBA không người trực góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năng, góp phần tạo ra bước đột phá trong điều khiển theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị tại trạm biến áp; đồng thời tối ưu hóa nhân lực, tăng năng suất lao động trong công tác quản lý vận hành"- Anh Nguyễn Phúc Tiệp - Tổ trưởng tổ thao tác lưu động Vĩnh Yên khẳng định.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm biến áp không người trực có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá, tự động hoá theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Từ đó, góp phần vào hoàn thành Chiến lược phát triển của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện vào năm 2030./.