Mỗi ngày trôi qua, lại có thêm nhiều hơn bệnh nhân tử vong vì Covid-19, những bệnh nhân nặng phải thở ô xy và tăng cao những ca nặng phải hồi sức tích cực cùng hàng nghìn người đang muốn rời thành phố vì nhiều lý do…Tất cả như đang thử thách sức chịu đựng đã ở mức cạn kiệt của người dân TP. HCM. Bởi vậy đợt siết chặt giãn cách xã hội lần này theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp được coi là cơ hội cơ hội cuối cùng để thành phố đương đầu và chiến thắng dịch bệnh. Nói như bí thư thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên "Trận này buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào".

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong suốt thời gian qua, mặc dù TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã nỗ lực rất nhiều và đã làm hết sức mình để phòng chống dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến ngày một phức tạp. Hơn 2 tháng thành phố thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh nhưng kết quả không được như mong muốn. Bởi vậy lần này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ quyết định phải tăng cường lực lượng để giúp TP. HCM tác chiến nhịp nhàng chiến thắng kẻ thù giấu mặt này trong thời gian nhanh nhất.

Đại biểu Quốc hội khóa 14, Lưu Bình Nhưỡng nhận định: Việc huy động tổng lực cho TP. HCM là thể hiện sự quyết tâm rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời nó cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành khác cùng với tinh thần tương trợ của cả nước đối với các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt một điều quan trọng nữa mà ông Lưu Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh, đó chính thể hiện sự phản ứng kịp thời của Chính phủ trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi một sự điều chỉnh chiến lược, chiến thuật theo hướng tiến công để đánh "giặc Covid- 19”.

“Nếu chúng ta để nguyên lực lượng y tế và các lực lượng tại chỗ như trước đây để thực hiện trận đánh lớn này thì không thể thắng lợi được. Bởi vậy cần thiết phải bổ sung lực lượng đủ mạnh để chiến đấu”, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Trong "trận chiến" này, lực lượng bộ đội tại các quân khu ở phía Nam cũng được tăng cường về với TP. HCM. Có hàng nhìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia. Và ngay lập tức, lực lượng này được điều động về cho các phường để phối hợp với công an, y tế, tham gia nhiệm vụ tại các chốt chặn, tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, giúp đỡ, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, đồng thời chuyển các gói an sinh cho người dân gặp khó khăn và cung cấp lương thực thực phẩm đến từng nhà.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để người dân chấp hành theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", ít nhất là trong 2 tuần tới, việc đáp ứng mọi yêu cầu về y tế, cũng như nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên với số lượng gần 10 triệu dân, để làm tốt được nhiệm vụ này, trong điều kiện bình thường đã khó thì nay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay sẽ càng khó khăn hơn.

Ông Nhưỡng đề xuất, trong gần 10 triệu dân không phải toàn bộ điều kiện kinh tế khó khăn như nhau. Bởi vậy cần phân loại từng mức độ hoàn cảnh. Những hộ cực kỳ khó khăn, hộ khó khăn, hộ khá giả để có mức hộ trợ tương xứng. Hơn nữa chính quyền thành phố cần phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các lực lượng để tổ chức tốt đời sống cho bà con, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng phục vụ hàng ngày.

Theo lãnh đạo TP. HCM, trong những ngày này sẽ sử dụng hệ thống bán lẻ thương mại để lấy hàng từ các tỉnh, đây cũng là nơi tập kết hàng hóa. Từ đó, các đơn vị chức năng sẽ dùng để phân phối đến các phường. Khi tới cấp phường, các tổ hậu cần nắm chắc nhu cầu của người dân trên địa bàn để phát túi an sinh cho các hộ khó khăn. Đối với các hộ có điều kiện hơn, tổ hậu cần sẽ “đi chợ thay” và người dân sẽ trả tiền.

Ngoài ra Thành phố đã vận động được trên 1,8 triệu túi quà an sinh, đã và đang chuyển tới các xã, phường để phát cho hộ gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại phía Nam, thời gian qua các chính sách an sinh đã ban hành một cách kịp thời hỗ trợ người dân. Đặc biệt TP. HCM luôn chủ động triển khai các chính sách. Tuy nhiên, đây là một thành phố đông dân nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi những thiếu sót và có thể sẽ có những hộ chưa được tiếp cận chính sách một cách đầy đủ. Hiện Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với TP. HCM cũng như các tỉnh, thành phía Nam, rà soát trước tình hình thiếu đói của bà con nhân dân cũng như người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch.

“Ngoài việc rà soát này, qua đường dây nóng, Văn phòng đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam cũng được nhiều cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ và đã đến kiểm tra thực tế rồi giúp đỡ kịp thời cho người dân”, ông Thắng thông tin.

Ông Thắng cho rằng, trong lúc khó khăn như thế này, tất cả mọi người đều phải chung tay cùng với thành phố để đảm bảo đời sống an sinh, phục vụ mục tiêu phòng chống dịch.

Cùng chung quan điểm này, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng mong muốn, mỗi người dân TP. HCM cần tự giác, tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh tất cả các quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện thắng lợi chiến dịch này. Cần thể hiện tinh thần tương trợ, đùm bọc lẫn nhau. Cần xem thời điểm này như đang trong thời chiến và phải thực hiện đúng tinh thần của thời chiến. Ông Nhưỡng cũng lưu ý cần có những thông tin kịp thời với tất cả các cấp ủy chính quyền để nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu thiết yêu của người dân.

“Mỗi người dân phải nêu cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu của trận đánh quyết định này, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Và ông Nhưỡng tin rằng với sự đồng lòng, chia lửa của cả nước như vậy, người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành phía Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh để ngăn chặn và sớm đẩy lùi đại dịch Covid- 19 trong một thời gian sớm nhất.