Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lại làm quản lý, nên chị Nguyễn Lan Anh –Giám đốc công ty Du lịch VTB travel hiếm có thời gian dành cho gia đình. Những chuyến công tác, những hợp đồng làm ăn... như cuốn chị đi và những bữa cơm gia đình thường ít khi có đủ cả hai vợ chồng. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công ty bị thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch. Không có khách, không có tour đi và không có thu nhập... khiến cuộc sống 2 vợ chồng bế tắc, thường xuyên xảy ra cãi vã, mệt mỏi vì kinh tế gia đình bị đình trệ.

Tuy nhiên, không khuất phục trước khó khăn, sau khi mất 1 khoảng thời gian để xử lý khủng hoảng, 2 vợ chồng đã quyết định ngồi lại với nhau và thấy rằng “trong nguy có cơ”. Anh chị xác định thời gian này là dành để chăm sóc sức khỏe của bản thân và dành cho gia đình nhiều hơn. Thế là anh chị quyết định về quê phát triển trang trại sinh thái Đà Giang – chuyên sản xuất nông nghiệp sinh thái hữu cơ. Chị Lan Anh kỳ vọng, mai này anh chị sẽ phát triển thành sản phẩm du lịch liên quan đến trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái rồi dịch vụ du lịch trị liệu, sau khi dịch bệnh được khống chế.

Với suy nghĩ “dù làm công chức hay làm kinh tế tư nhân cũng là đóng góp cho Nhà nước, cho xã hội” nên anh Thắng, chồng chị Lan Anh đã quyết định xin nghỉ việc, chọn nghề nông nghiệp sinh thái hữu cơ cùng vợ để khởi nghiệp.

Thời gian đầu khởi nghiệp, hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm cả 2 phải lăn lộn với thị trường để kiếm từng hợp đồng, cạnh tranh với các đối tác khác về giá cả, chất lượng, uy tín và cả đạo đức kinh doanh.

Đến nay, khi đã thành công với công việc kinh doanh, anh nhận ra một điều: chỉ cần đồng vợ, đồng chồng thì khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua. Anh nói, sau đợt dịch bệnh thì thấy 2 vợ chồng có thời gian cho gia đình, quan tâm và chia sẻ, lắng nghe nhau nhiều hơn. Qua đó, cũng tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển kinh tế gia đình như thế nào cho hợp lý. Và như thế cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc khó khăn về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Giờ đây, hai vợ chồng đã có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn trước. Chị Lan Anh chủ động sắp xếp để vừa làm việc, vừa có thời gian quan tâm, chăm sóc các con. Chồng chị cũng không còn phải đi công tác thường xuyên mà có thêm nhiều thời gian cho vợ con hơn. Nhiều hôm, anh còn giành phần vào bếp để nấu ăn. Cuộc sống gia đình vì vậy cũng ấm cúng, gắn bó hơn trước.

Anh Thắng chia sẻ: Điểm mấu chốt phát triển hạnh phúc gia đình chính là đồng cảm, chia sẻ với nhau và dành thời gian chất lượng cho nhau, cùng nhau tháo gỡ những vấn đề khó khăn hoặc cùng nhau tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống, dù là nhỏ nhưng cảm thấy rất hạnh phúc.

Đã gần 10 năm kể từ khi về sống dưới một mái nhà, những khó khăn vất vả chưa bao giờ khiến vợ chồng anh chị nản lòng. Trái lại, đó như động lực gắn kết vợ chồng cùng “chung lưng, đấu cật” phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan, giỏi giang, đồng thời giúp đỡ, chia sẻ với người dân trong xóm.

Bận rộn với công việc xã hội nhưng khi trở về ngôi nhà của mình, chị Lan Anh luôn biết cách thu hút các thành viên cùng làm việc nhà, chuẩn bị bữa ăn gia đình. Chị cho rằng, bữa cơm là sợi dây gắn kết tình cảm giữa vợ chồng và con cái.

Có thể nói, mỗi gia đình cần có nhận thức đúng đắn về gia đình hạnh phúc, biết đồng cam cộng khổ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách cùng nhau xây dựng phát triển kinh tế. Bởi kinh tế có bền vững, gia đình mới hạnh phúc dài lâu.

Mời nghe âm thanh tại đây: