Thế trận an ninh nhân dân phải từ cơ sở, từ những người sát nhân dân nhất, từ những người cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự công an phường

Nghe câu chuyện về Trung tá Phạm Cánh Quân tại đây:

Vào ngành công an, tôi tâm niệm phải đem lại bình yên cho nhân dân

Phóng viên: Nói về lính hình sự hay ma túy trong hình dung của mọi người thường là hình ảnh lạnh lùng một chút, bụi bặm một chút nhưng trông anh thì không có nét đó. Không biết đã từng có ai nói với anh rằng trông anh không giống một sĩ quan công an?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Tôi nghe rất nhiều lần. Mọi người hay bảo tôi giống thầy giáo. Khi đi trinh sát, bắt giữ, tổ chức các chuyên án, tôi thường được đóng vai cán bộ văn phòng. Ít lần tôi được đóng vai cán bộ ủy ban, cán bộ địa chính, sinh viên, nhân viên văn phòng... Có lẽ do ngoại hình và tính cách của mình, thích cái gì đó nhẹ nhàng, chiều sâu. Không ai nghĩ mình là cảnh sát phòng chống ma túy.

Phóng viên: Đây là điều thuộc về con người anh hay cách để anh dễ dàng đi sâu, nắm bắt địa bàn?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Từ xưa đến nay tôi thích những thứ nhẹ nhàng. Tôi có những sở thích mà thường mọi người không nghĩ một anh công an có sở thích như thế. Chẳng hạn đọc sách, trồng cây, nuôi động vật, khám phá tìm hiểu về con người, số phận. Tôi cũng thường đúc kết những việc đó thành những vấn đề truyền đạt đến mọi người...

Phóng viên: Trong cuốn “Công an phố cổ” do anh viết, anh nhắc đến những người dân bình thường như bác xe ôm, anh thợ cắt tóc, những người bán hàng rong... Họ đều là những nguồn tin, những trinh sát “thường dân” của lực lượng công an. Để tạo ra một thế trận an ninh nhân dân hẳn không đơn giản?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Khi xác định vào ngành công an, tôi tâm niệm phải đem lại bình yên cho nhân dân. Địa bàn Hoàn Kiếm rất chật hẹp, mỗi một trụ sở công an cũng như nhà dân, sát vách với nhau, ra là gặp bác bán nước, cô bán hàng, nên có thể bản tính tôi niềm nở, gặp ai cũng chào, thậm chí tôi còn hỏi trước.

Đặc thù của nghề điều tra luôn tìm hiểu xem hoàn cảnh cuộc sống của mọi người thế nào, mọi người có vất vả không? Mình có thể thông cảm với họ. Khi công tác ở phường Hàng Trống, từ bác bán nước, anh xe ôm, ngay cả công nhân trên địa bàn họ đều quý tôi, địa bàn có thông tin mới họ đều cung cấp cho mình, kể cả vụ 4 thanh niên định đánh lại tôi thì cũng từ người dân báo có 4 đối tượng đó xuất hiện.

Thậm chí, những vụ án như trộm cắp xe, cướp giật, bác xe ôm cũng giúp tôi bắt giữ các đối tượng. Tôi nghĩ thế trận an ninh nhân dân phải từ cơ sở, từ những người sát nhân dân nhất, từ những người cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự công an phường... Chính vì thế, hiện nay Bộ Công an đang triển khai mô hình “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, cho công an chính quy về cấp cơ sở để sát dân, hiểu rõ cuộc sống của dân, có nghiệp vụ nắm tình hình để đấu tranh tốt nhất, giúp thế trận an ninh nhân dân càng ngày càng phát triển, đấu tranh chống lại cái ác.

Phóng viên: Công tác ở một địa bàn sầm uất nhất thủ đô, nhưng sau bức tranh tươi đẹp của nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, với những nơi ăn chơi xa xỉ bậc nhất cũng là một thế giới tội phạm phức tạp. Những dấu ấn, chiến công của công an Hoàn Kiếm, trong đó có vai trò của anh mà anh nhớ nhất có thể flex – khoe một chút với chúng tôi như cách nói của các bạn trẻ bây giờ?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Hồi còn làm cảnh sát hình sự, công an phường Hàng Trống, vụ đầu tiên tôi nhớ nhất là bắt giữa 2 đối tượng người Hải Phòng sau đó làm rõ 2 đối tượng này chém ông giám đốc bưu điện. 2 đối tượng ban đầu cưỡng đoạt tài sản của các cháu HS quanh hồ. Sau khi bắt về, chúng tôi xác định 2 đối tượng lang thang gửi đồ trong tủ ở siêu thị Intimex. Khi kiểm tra tủ của đối tượng, phát hiện nhiều công cụ, phương tiện chém ông giám đốc bưu điện.

Vụ thứ 2 là trộm đám ma đám cưới khắp địa bàn Hà Nội như nhà tang lễ bệnh viện 354, nhà tang lễ Phùng Hưng, nhà tang lễ Trần Thánh Tông. Từ thông tin ban đầu công an phường Hàng trống, xảy ra 3 vụ trộm đám ma đám cưới, chúng tôi dựng và chuyển điều tra. Về sau anh Điển – Đội phó cùng một số trinh sát khác tiến hành bắt giữ, đối tượng khai trộm cắp gần 20 vụ với trị giá tài sản hơn 2 tỷ đồng.

Còn có vụ tráo máy tính xách tay, đối tượng giả làm sinh viên xách cặp với tài liệu giấy tờ không có giá trị nhưng tương tự máy tính xách tay. Đối tượng chọn bị hại là người nước ngoài hoặc những doanh nhân vào cửa hàng sau đó tráo máy tính với nhau. Khi lấy trộm được nhiều máy tính xách tay, đối tượng mua được ô tô Fortuner và dùng ô tô đi bán máy tính xách tay. Khi một cửa hàng trên phố Đình Ngang mua lại máy tính xách tay của đối tượng thì không biết đó là đồ ăn trộm.

Đó là 3 vụ tôi nhớ nhất khi công tác tại phường Hàng Trống.

Sau khi về đội ma túy, tôi nhớ các vụ án nổi của Công an quận Hoàn Kiếm. Gần đây nhất năm 2018, chúng tôi bắt chuyên án thu được 79 bánh heroin, 15 kg thuốc phiện, 10.000 viên ma túy, bắt tổng số 10 đối tượng trên nhiều địa bàn Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa... hay như vụ bắt 19 bánh heroin năm 2013...

Ngoài ra còn có vụ bắt đối tượng Giang “Kim Liên” rất nguy hiểm vì đối tượng đi bán bằng ô tô. Khi bắt giữ, đối tượng phóng xe bỏ chạy gây tai nạn cho một đồng chí ở đội. Sau đó, bắt giữ khám xét thu được tổng số gần 2 kg ma túy. Đối tượng về sau bị xử mức án chung thân...

Nhiều vụ án nếu mình không động viên, thấu hiểu thì họ chẳng cần khai, đằng nào cũng chết

Phóng viên: Trong lúc chờ để gặp anh, tôi có nghe ngóng được chuyện như thế này: Trước đây khi anh còn công tác tại Công an phường Hàng Trống, có một cô gái khá xinh, làm nghề bán hoa quả rong quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Mỗi lần, bị thu giữ đồ thì cô ấy lại đến cầu cứu anh Quân nhờ xin giúp. Có người “trêu” anh có cảm tình với cô gái đó hay sao mà nhiệt tình thế?... Nói vui vậy thôi nhưng không biết anh có thường gặp những tình huống hiểu lầm kiểu như vậy?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Có nhiều câu chuyện giữa tôi và bị can thụ lý nhưng để hiểu lầm thì ít vì không phải vụ nào cũng có những cô gái trẻ như thế (cười). Tôi nhớ vụ án cô gái người Indonesia bị bắt giữ ở khách sạn trên phố Hàng Bông năm 2014, sinh năm 1987. Khi bắt giữa thu được 6 quyển truyện tranh ép 5kg heroin. Cô này được nhóm người Phi thuê vận chuyện ma túy sang các nước. Chuyến này là chuyến thứ 3. Ban đầu cô này không khai nhận nhưng sau qua đấu tranh cô khai. Cô ấy không có người nhà bên này, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, khi giam giữ ở đây, chúng tôi phải mua cho cô đồ đạc thiết yếu, đồ phụ nữ, thường xuyên động viên và hỏi, nhất là vì bất đồng ngôn ngữ, cô vào đây chẳng biết nói chuyện với ai. Đến khi có phiên dịch, việc trao đổi thoải mái. Sau này, cô ấy bị xử mức án 20 năm tù và chấp hành án tại trại giam Vĩnh Quang.

Phóng viên: Nếu đi sâu vào những câu chuyện về tội phạm sẽ thấy nhiều đối tượng có những nỗi khổ riêng và lâm vào con đường lầm lạc. Anh có phải là người cũng hay “động lòng” trước nỗi khổ của người ta?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Tôi thường xuyên đấy. Tôi cũng là người hay suy ngẫm.

Gần như chưa trường hợp nào tôi hỏi cung mà đối tượng không khai nhận. Muốn hỏi cung tốt ngoài nắm rõ nội dung vụ án thì cũng phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình, biết họ có hạnh phúc không, bố mẹ có phạm tội, có thời gian giáo dục con cái không? Nhiều trường hợp các cháu hư và phạm tội mình động viên, vì từ lý do đó các cháu biết mình có người thông cảm, thấu hiểu thì các cháu sẽ khai.

Kể cả các vụ án ma túy buôn hàng bánh, hàng cân, chúng tôi vẫn phải động viên vì người ta xác định với mức án ở khoản 4 là 20 năm chung thân, tử hình. Nhiều vụ án nếu không động viên, đồng cảm, thấu hiểu thì họ chẳng cần khai, đằng nào cũng chết.

Ví dụ, vụ bắt 79 bánh heroin, đối tượng Nguyễn Hữu Chuyền có 2 án. Án trước là chung thân, Tòa án Sơn La xử. Vụ này chúng tôi bắt thì đối tượng xác định tử hình. Quá trình tôi thụ lý đối tượng Chuyền vẫn khai ra đồng bọn, các nơi giấu hàng, đối tượng đầu trên buôn hàng trăm bánh trên Sơn La.

Đối tượng Chuyền cũng tin tưởng tôi. Tôi động viên “Thôi! ông dù phạm tội nhà nước nhưng phải khai ra mới nhẹ người và triệt phá mầm mống tội ác là ma túy. Về sau, đối tượng Chuyền khai tốt. Tôi cũng giúp Chuyền liên hệ 2 con trai - một ở Thanh Hóa và một ở Sài Gòn, chuyển đồ đạc mà Chuyền gửi cho con. Chuẩn bị xét xử thì báo cho con biết bố bị xét xử và được nhìn bố lần cuối cùng. Tôi giúp hết sức trong điều kiện có thể.

Trung tá Phạm Cánh Quân còn là tác giả sách "Công an phố cổ"

Phóng viên: Nhiều năm làm nghề có lẽ anh tiếp xúc với đủ loại đối tượng nhưng cái khó của nghề này là ngoài phòng chống tội phạm thì còn phải cảm hóa, giáo dục. Đó là điều mà chúng tôi cũng rất tò mò về "Công an phố cổ"?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Có những trường hợp gắn bó với các cháu học sinh hư, phạm tội cưỡng đoạt tài sản, có những cháu ngày xưa hay ra địa bàn nghịch ngợm, hai mấy năm giờ vẫn liên hệ, cũng gọi là có “duyên nợ”. Nhiều cháu giờ thành người tốt, có cháu thậm chí nhiều con hơn cả tôi và làm ăn phát đạt.

Có trường hợp cháu Tuấn như tôi kể trong cuốn “Công an phố cổ”. Hồi đấy cháu hoàn cảnh khó khăn, cũng nghịch ngợm, theo các bạn, cần tiền và cháu đã lừa xe của 1 em khác.

Hồi đấy chưa có messenger như giờ mà chỉ có Yahoo. Tôi có lập 1 nick Yahoo giả mang tên một cô gái và chat với cháu. Lúc đầu cháu cứ tưởng đó là một cô gái trẻ, sau thấy toàn khuyên bảo, để lộ vài thông tin thì cháu biết chú Quân nhắn. Sau khi nghe tôi khuyên, cháu trả lại xe và không phạm tội. Bây giờ cháu kinh doanh buôn bán, lái xe khách sạn rất tốt.

Cưới vợ vẫn giấu chuyện sang đội ma túy

Phóng viên: Đang làm công an phường Hàng Trống thì anh đã chủ động viết đơn tình nguyện sang làm công tác ma túy. Vì sao lại muốn thay đổi một công việc mà mình quen thuộc, nơi mà người dân rất quý mến anh?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Khi đó, chú phó quận phụ trách tổ chức bảo hiện nay đội ma túy thiếu cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác điều tra. Thực ra, 6 năm làm hình sự ở phường Hàng Trống, tôi chưa sử dụng hết các nghiệp vụ điều tra của mình. Tôi tốt nghiệp Khoa Cảnh sát điều tra của Học viện Cảnh sát với lĩnh vực chuyên môn sâu hơn. Thời gian làm ở phường thì nhiều mảng nhưng không chuyên sâu về nghiệp vụ điều tra. Khi chú bảo trên đội ma túy thiếu người, tôi viết đơn tình nguyện luôn.

Về đội ma túy tôi cũng không nói cho gia đình biết. Tôi về đây ngày 15/6/2007, cưới vợ 19/11/2007, khi kiểm phong bì mừng đám cưới nhà mới hỏi sao thân với đội ma túy thế, thấy toàn phong bì của đội ma túy. Lúc đó tôi cũng bảo làm tốt lĩnh vực này nên mọi người quý. Vài tháng sau, bố tôi công tác tại công an TP Hà Nội, một số cán bộ dưới quyền ở các đơn vị khác nhau nói chuyện với bố tôi rằng thằng Quân sang đội ma túy. Khi đó tôi đã sang đội ma túy được hơn nửa năm.

Phóng viên: Anh giấu việc mình chuyển sang đội ma túy kỹ thế, phải chăng đặc thù công việc nhiều vất vả và áp lực hơn?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Nghe nhắc tới lĩnh vực ma túy thì cam go, đối tượng nghiện đôi khi không tỉnh táo, các đối tượng buôn bán lớn thì xác định với mức án chung thân tử hình sẽ chống trả quyết liệt. Lĩnh vực điều tra ma túy còn phức tạp hơn trọng án nên mọi người sợ nguy hiểm, tôi cũng không muốn gia đình lo nghĩ nên giấu. Sau này khi có gia đình riêng tôi hầu như không mấy khi kể, đi làm chuyên án, đi các tỉnh nào gần như gia đình không biết.

Ông chú 7X và những buổi nói chuyện về phòng chống tội phạm

Trong công tác đấu tranh phòng ngừa thì đấu tranh cũng quan trọng nhưng phòng ngừa có khi còn quan trọng hơn. Thường phòng ngừa thì mọi người không nhìn thấy ngay. Tôi có rất nhiều thành tích là do tôi đấu tranh tốt, nhưng phòng phòng ngừa là “ngấm dần”.

Phóng viên: Những năm gần đây ngoài công tác tại Đội điều tra tội phạm ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm, mọi người biết đến anh là một người lăn lộn đi tuyên truyền về đấu tranh phòng chống tội phạm trong khắp các trường học. Anh bắt đầu bén duyên với việc đi tuyên truyền thế nào?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Trước tôi vẫn đi làm công tác tuyên truyền nhỏ. Lúc đầu tôi bảo phải viết một cuốn sách viết về công việc ở cơ sở để cho các em của đồng nghiệp ở trong quận, công an thành phố biết công việc ở cơ sở vất vả thế nào, nghĩa là không chỉ đi bắt tội phạm, bắt quân gian mà còn nhiều việc khác nữa.

Khi viết xong, đúng lúc đội cần người đi tuyên truyền, họ thấy khả năng đúc kết, tập hợp, phân tích dữ liệu của tôi nên họ bảo tôi làm thêm mảng tuyên truyền phòng chống tội phạm và phòng chống tệ nạn xã hội.

Đã không làm thì thôi, tôi nghĩ làm thì phải tốt. Với học sinh tuyên truyền khó hơn vì các cháu khả năng lắng nghe, tập trung kém hơn. Tuyên truyền ma túy lại khô khan, chán, khó nghe. Để tuyên truyền hấp dẫn tôi soạn clip, hình ảnh âm thanh sống động cho các cháu xem, gắn sách vở các cháu học.

Chẳng hạn, ma túy trong văn học được nhắc tới trong tác phẩm nào, ví dụ “Vợ chồng A phủ”, “Tắt đèn”, tác phẩm “Thuế máu” của Bác Hồ... Ma túy gắn với lịch sử thế nào, gắn với cuộc chiến tranh nha phiến của Trung Quốc ra sao, gắn với địa lý, ma túy chuyển qua đường biên giới thế nào, hay cơ chế sinh học đưa ma túy vào cơ thể...

Tôi cũng nêu thực tế bộ phim các cháu được xem về phòng chống ma túy, hoặc clip những nhân vật nổi tiếng thần tượng như ca sĩ Whitney Houston, người đóng chú hề Joker cũng chết vì sử dụng ma túy, ở Việt Nam cũng có một số nghệ sĩ bị bắt vì sử dụng ma túy... Đưa ra ví dụ để các cháu biết tuy thần tượng nhưng nếu không chịu khó, cố gắng, không biết cách thì người nổi tiếng hay nhiều tiền đến mấy cũng có thể nghiện ngập, lao vào con đường ma túy...

Phóng viên: Trong khi anh đi tìm hiểu idol để nói chuyện được với các cháu thì chính anh cũng là idol trong lòng các cháu đấy! Trẻ con thì khó tập trung, nhất là khi nghe những chuyện về pháp luật, tội phạm, vậy anh đã làm thế nào để các bạn HS không thể bỏ qua những bài giảng của anh?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Phải làm thế nào để các cháu với mình có sự tương tác. Nếu các cháu tương tác, tôi hỏi luôn “Các cháu biết gì về chất ma túy, biết gì SGK, lịch sử nói về ma túy?”. Nếu các cháu tương tác như thế, các cháu sẽ nhớ 50-60%. Nếu truyền đạt theo logic cụ thể, dễ hiểu để các cháu có thể truyền đạt cho các bạn được thì các cháu nhớ 80-90%. Để các cháu không nhàm, mình sẽ tạo ra một buổi tuyên truyền không phải là buổi diễn thuyết, không phải buổi giảng chính trị mà biến các buổi đó thành các buổi trò chơi, giải trí...

Phóng viên: Trong các buổi nói chuyện anh có bất ngờ với những suy nghĩ của các bạn trẻ bây giờ?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Cái này hơi buồn cười một chút. Khi tôi hỏi trong môn Văn, nếu nói về ma túy thì các cháu nhớ nhất bài nào? Có bạn giơ tay phát biểu “Thưa chú bài Đập đá ở Côn Lôn.” Đối tượng sử dụng ma túy đá thì hay gọi là đập đá, hít ke thì gọi là xào ke, sử dụng thuốc phiện thì gọi là nàng tiên nâu, heroin là cái chết trắng, đối tượng sử dụng những từ ngữ rất mĩ miều...

Nói vui thôi nhưng tôi bất ngờ hiện suy nghĩ các cháu lớn hơn mình ngày xưa. Ngày xưa để mình đi chơi ở các quán cà phê hay những nơi có nhạc mạnh thì phải lớp 12 hay lên đại học. Thế nhưng, các cháu bây giờ có khi đã lớp 7-8. Các cháu dễ được tiếp cận ma túy, chất xấu.

Hiện nay loại ma túy đang tranh cãi nhất là cần sa. Hiện có khoảng hơn 7 nước như một số bang của Mỹ, Canada, Thái Lan đang hợp pháp hóa cần sa nhưng Việt Nam mình vẫn xác định cần sa là ma túy. Khi tôi đi tuyên truyền, nói cấm không được sử dụng thì các cháu hỏi “Tại sao các nước kia cho sử dụng?”.

Để đánh giá hệ lụy của nó tôi dẫn chứng, ở Thái Lan họ hợp pháp hóa tình dục dẫn đến nhiều hệ luỵ. Ở Mỹ hợp pháp hóa dùng súng dẫn tới việc xả súng giết người hàng loạt. Thế nên, Thái Lan hay Mỹ cho phép một số bang hợp pháp hóa sử dụng cần sa chưa chắc chuẩn. Khi giảng học sinh hỏi nhiều câu khó tại sao nước kia được dùng mà mình không được dùng.

Phóng viên: Đúng là trẻ con bây giờ có phản biện rất tốt!

Trung tá Phạm Cánh Quân: Trẻ con giờ phản biện tốt, nếu tôi nói cứ cấm thì các cháu sẽ bảo chú giảng không đúng vì bên kia họ cho phép. Chính vì thế, tôi vẫn đưa tất cả thông tin để các cháu tự phản biện, tự hỏi, mình dùng lập luận, luật, hiểu biết đời sống để lật lại vấn đề, phân tích cho các cháu biết điều đó đúng hay sai.

Phóng viên: Một ông chú 7X đi nói chyện với các cháu lứa THCS, THPT anh có phải học ngôn ngữ của thế hệ trẻ không?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Nghề điều tra chúng tôi được học phải tiếp xúc được tất cả mọi người từ người giả, trẻ em, phụ nữ, người yếu thế, một mục sư, một luật sư... Chúng tôi được học là không ai là không thể nói chuyện.

Thế nhưng với thế hệ trẻ giờ cũng khó vì cách 5-10 năm là một thế hệ, mình bốn mấy cách các cháu 3- 4 thế hệ. Để nói chuyện được với các cháu tôi thường vẫn hay về hỏi con. Tôi có một cô con gái học lớp 8 và một cậu con trai lớp 5. Tôi về hỏi đu trend là gì, sở thích của thiếu niên con trai là gì, con gái là gì? Con gái tôi bảo các cháu thích Tiktok thì tôi cũng học cách. Thậm chí âm nhạc, trước những bản love song romantic rất thích thế nhưng bây giờ các bạn trẻ lại thích underground, rap... Tôi cũng tìm hiểu, kể cả slide chống ma túy tôi cũng cho những bài hát như thế để các cháu dễ tiếp thu và nhớ lâu.

Phóng viên: Trước khi có buổi trò chuyện hôm nay thì lịch phỏng vấn với anh bị dời đi khá nhiều lần bởi những anh phải đi “đánh án” đột xuất, họp đội... Một tình huống nhỏ để thấy công việc điều tra ma túy đã quá bận. Vậy, điều gì thôi thúc khiến anh dành hết thời gian rảnh và tâm huyết để đi tuyên truyền cho thanh thiếu niên về công tác phòng chống tội phạm?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Trong công tác đấu tranh phòng ngừa thì đấu tranh cũng quan trọng nhưng phòng ngừa có khi còn quan trọng hơn. Thường phòng ngừa thì mọi người không nhìn thấy ngay. Ví dụ, tôi có rất nhiều thành tích là do tôi đấu tranh tốt, tôi được 2 huân chương chiến công và nhiều bằng khen do tôi bắt giữ tốt nhưng phòng phòng ngừa là “ngấm dần”. Tuy tuyên truyền, phòng ngừa không nhìn thấy ngay, khó nhận biết, kể cả người làm công tác này phải âm thầm hy sinh nhiều nhưng về tương lai lại cực kỳ tốt như Bác Hồ nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Khi tôi đi tuyên truyền tôi hứng thú, tôi thấy công tác phòng ngừa quan trọng. Khi tiếp xúc các cháu mình thấy mình rất trẻ trung. Có những buổi đi tuyên tuyền ở trường Nguyễn Trãi, Trường Phan Đình Phùng về thì các cô giáo nói lại là giờ các cháu không hút thuốc là điện tử vì nghe chú, thấy chú phân tích các cháu thấy tác hại và bỏ hẳn thuốc lá điện tử. Có lớp 5-7 cháu hút, về sau những lớp đó các cháu bỏ. Đó là tác dụng của công tác tuyên truyền. Tôi nghĩ chính vì những phản hồi của các cháu như cái phản lực trở lại mình, trở thành động lực để mình đi làm công tác tuyên truyền ở nhiều nơi khác nữa.

Phóng viên: Xin cảm Trung tá Phạm Cánh Quân!

Trung tá Phạm Cánh Quân (hay còn gọi là Phạm Quân) sinh năm 1978 trong một gia đình có bố làm công an ở Hà Nội.

Năm 2001, anh tốt nghiệp Khoa Cảnh sát Điều tra, Học Viện Cảnh sát Nhân dân.

Từ Năm 2001-2007, Phạm Quân công tác tại phường Hàng Trống với vai trò là cảnh sát hình sự.

Năm 2007, anh chuyển sang Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Ma tuý Công an Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trải qua nhiều vị trí công tác, hiện anh là Đội Phó Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý.

Quá trình công tác, Trung Tá Phạm Cánh Quân đã được Chủ tịch nước hai lần tặng Huân Chương Chiến Công; Được Bộ Trưởng Bộ Công An, Chủ Tịch UBND TP. Hà Nội và Giám đốc Công An TP. Hà Nội tặng nhiều bằng khen, giấy khen.