Với 8 trạm biến áp và 14 tuyến đường dây, 2 ngăn lộ hơn 322km đường dây 220kV trên địa bàn rộng lớn thuộc các tỉnh: TP Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Truyền tải điện Đông Bắc 2 xác định an toàn vệ sinh lao động là mục tiêu hàng đầu và bảo vệ an toàn cho người lao động là góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ðể đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động đạt hiệu quả, Truyền tải điện Đông Bắc 2 luôn chú trọng nâng cao nghiệp vụ và trang bị những thiết bị bảo hộ an toàn lao động, giảm thiểu những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Anh Phạm Văn Hảo, Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết, Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên luôn tập trung mọi nguồn lực, khắc phục những vị trí nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho người lao động; từng bước cải tạo môi trường làm việc, chỉnh trang cơ sở hạ tầng lưới điện quản lý, vận hành.
“Trạm biến áp bao giờ cũng phải đáp ứng yêu cầu an toàn theo quy trình 959 của Tổng công ty. Các trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, tuân thủ quy định của pháp luật tất cả các khâu, quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” – anh Hảo khẳng định.
Luôn sẵn sàng ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả các tình huống, sự cố có thể xảy nhằm bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, liên tục là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm mà các cán bộ quản lý, vận hành tại các trạm biến áp của Truyền tải điện Đông Bắc 2 đang triển khai thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Quân, Trưởng kíp, Tổ thao tác lưu động Thủy Nguyên cho biết: “Lo lắng nhất là giờ cao điểm khi phụ tải tăng, thiết bị vận hành lâu năm dễ phát sinh sự cố. Để đảm bảo công tác vận hành an toàn, ngoài kiểm tra định kỳ, trực ca tăng cường soi kiểm tra phát nhiệt, đảm bảo thiết bị nằm trong tầm kiểm soát, kịp thời báo cáo khiếm khuyết phát sinh để lãnh đạo đơn vị có biện pháp giải quyết”.
Để bảo đảm hệ thống vận hành an toàn liên tục, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con người và trang thiết bị, Trạm biến áp 220kV Đồng Hòa cũng xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân, người lao động. Anh Đoàn Văn Đến, Trưởng kíp trạm Đồng Hòa cho hay, trong quá trình quản lý, vận hành, anh thường xuyên được tham gia huấn luyện an toàn vệ sinh lao động định kỳ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc thí nghiệm định kỳ trạm biến áp, thiết bị điện được thực hiện thường xuyên sau một khoảng thời gian (6 tháng - 1 năm) nhằm đánh giá chất lượng thiết bị, hệ thống hiện tại để chủ động đưa ra kế hoạch hoạt động, nâng cấp sửa chữa phù hợp.
Việc quản lý, vận hành thiết bị điện thiếu hiểu biết và không đúng cách hoàn toàn có thể dẫn đến những rủi ro và tai nạn nguy hiểm, thậm chí là gây thiệt mạng. Bên cạnh việc tuân thủ đúng các quy định về khoảng cách an toàn điện, điều quan trọng theo chị Hoàng Thị Lanh, Trưởng kíp, Tổ thao tác lưu động Đồng Hòa, các cán bộ công nhân viên trạm cần nhận biết được yếu tố rủi ro, nguy hiểm, các nguyên nhân tai nạn lao động, các biện pháp đảm bảo kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Từ đó đề ra các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động tại khu vực làm việc.
“Chúng tôi vận hành lưới điện áp cao, luôn nhắc nhở mình giữ đúng khoảng cách an toàn với thiết bị mang điện. Làm việc tuân thủ quy trình an toàn, nhận diện mối nguy để tránh nguy hiểm” – chị Lanh chia sẻ.
Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh luôn quán triệt tới từng cán bộ, người lao động về công tác đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, ngăn ngừa và giảm sự cố trên lưới truyền tải. Cùng với đó, người lao động tại trạm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy định an toàn điện trong công tác quản lý vận hành.
Anh Đoàn Việt Hùng, Trực phụ Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh, Truyền tải điện Đông Bắc 1 khẳng định: “Trạm 500kV Quảng Ninh thường xuyên thực hiện nghiêm túc kiểm tra thiết bị đúng quy định, đảm bảo vận hành đúng thiết kế, sớm phát hiện các mối nguy cơ, khiếm khuyết bất thường xử lý kịp thời”.
Với khối lượng công việc lớn, đường dây trải dài và địa hình rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện luôn hiện hữu, những người thợ truyền tải Đội đường dây, Truyền tải điện Đầm Hà - Quảng Ninh như anh Nguyễn Văn Dương thường xuyên phải căng mình đảm bảo cho dòng điện luôn an toàn và thông suốt. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời khiếm khuyết, đảm bảo an toàn hành lang tuyến đường dây.
“Hàng ngày anh em đi kiểm ra định kỳ dường dây, trên tuyến phạt cỏ, kiểm tra cột điện, tiếp địa cột, phụ kiện cột…xem có vấn đề gì không, có nguy cơ gây sự cố, vi phạm khoảng cách hay không” – anh Dương cho biết.
Việc chuẩn bị đầy đủ các phương án xử lý sự cố, phòng ngừa nguy cơ mất an toàn lao động không chỉ tạo ra môi trường làm việc an toàn, ổn định mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên đảm nhiệm công tác quản lý, vận hành lưới truyền tải và đường dây./.