Để đẩy mạnh thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Truyền tải điện Tây Bắc - Công ty Truyền tải Điện 1 đã áp dụng nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới như: triển khai thực hiện trạm vận hành không người trực, đo công tơ từ xa…Mặc dù nhân lực tại các trạm giảm một nửa nhưng tất cả các cán bộ nhân viên trong đơn vị làm việc không biết mệt mỏi, vượt mức quy định và điều quan trọng là chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào gây thiệt hại về người và tài sản. Ông Vũ Tất Thành - Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc cho biết: ‘Truyền tải điện Tây Bắc đang quản lý vận hành 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Việt Trì, Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai. Nhiều đội truyền tải điện đi qua những địa hình khó khăn, có những vị trí xa, hiểm trở, anh em thường phải đi bộ từ 2 - 3 tiếng, phải trèo đèo, lội suối. Để khắc phục những khó khăn về mặt địa hình và giúp nâng cao năng suất lao động, đơn vị đã tích cực chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ như: thực hiện, cập nhật các thiết bị trạm biến áp lên toàn bộ phần mềm PMIS; sử dụng thiết bị bay UAV trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải điện, phát hiện sớm sự cố”-Ông Vũ Tất Thành cho biết.
Một trong những công nghệ được đơn vị đưa vào thực hiện đó là phần mềm đo xa (MDMS). Nếu như trước đây, mỗi lần đi đo chỉ số công tơ, những người lính truyền tải sẽ phải ra tận hiện trường hoặc thực hiện thủ công. Với cách làm này, đôi lúc sẽ gặp khó khăn, không thể thực hiện được nhất là khi thời tiết xấu. Sau khi đưa vào sử dụng phần mềm đo xa MDMS, công việc của anh Bùi Sơn Tùng – Tổ thao tác lưu động Vĩnh Yên đã thuận tiện hơn nhiều và quan trọng là những sai xót khi ghi chép thủ công đã được khắc phục. “Phần mềm đo xa MDMS giúp anh em không phải đi chốt công tơ lúc 12 h đêm nữa mà có thể lấy trực tiếp trên màn hình máy tính rất dễ dàng và thuận tiện. Hệ thống kết nối công tơ đo xa đưa dữ liệu lên A1 và A0 rất hiệu quả so với phương thức truyền thống ngày xưa, có thể lấy số liệu trực tiếp trên công tơ luôn rất nhanh và tiện lợi” - Anh Tùng cho biết.
Việc đưa vào sử dụng công nghệ mới là giải pháp giúp truyền tải điện Tây Bắc giải quyết hiệu quả công tác kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Bên cạnh đó, còn giúp giảm tải công việc cho người lao động, hạn chế việc phải di chuyển nhiều và tiết kiệm thời gian cho công tác kiểm tra. Anh Mạc Thanh Long - Tổ thao tác lưu động Vĩnh Tường cho biết: “Áp dụng công nghệ mới giúp mình trực vận hành hiệu quả hơn, an toàn hơn, ngày xưa nếu đi kiểm tra thiết bị là phải ra tận nơi để thao tác nhưng bây giờ ở trong nhà cũng có thể thao tác được, không bị phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết, tiết kiệm thời gian và công sức cho người lao động.”
Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, quá trình chuyển đổi số của truyền tải điện Tây Bắc đã từng bước thành công và đạt được những kết quả tích cực, trong đó phải kể đến sự thay đổi và thích ứng nhanh của người lao động. Hầu hết cán bộ công nhân viên trong đơn vị như anh Dương Văn Thanh - Tổ thao tác lưu động Vĩnh Yên đều hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, nếu không thực hiện sẽ có nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi” trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay. “Công việc của chúng tôi chủ yếu là công nghiệp tự động. Để thích nghi được với chuyển đổi số thì mình cũng phải tìm tòi học tập nhiều hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu. Ở đâu và trong thời điểm nào mỗi người cũng cần phải có sự cố gắng để công việc của bản thân và đơn vị tốt hơn”- anh Thanh chia sẻ.
Để giúp người lao động thích ứng linh hoạt, lãnh đạo đơn vị thường xuyên tổ chức những buổi đào tạo, bồi huấn về chiến lược, quản trị chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; kiến thức về vận hành, bảo quản, xử lý dữ liệu của các máy soi phát nhiệt; Flycam cho tổ vận hành công nghệ. Anh Nguyễn Phúc Tiệp - Tổ trưởng tổ thao tác lưu động Vĩnh Yên cho biết “So với lúc đóng điện ban đầu đến thời điểu hiện tại công suất đã tăng lên 4 lần. Công nghệ thay đổi và nhiều thiết bị tiên tiến về khoa học kỹ thuật cần phải có những người có trình độ để tiếp quản, chúng tôi thường xuyên phải học hỏi các chuyên gia để làm sao có thể vận hành các thiết bị mới an toàn và tối ưu nhất. Những trạm biến áp này để đảm bảo được an toàn đòi hỏi sự tập trung của cán bộ công nhân viên và sự phối hợp giữa trực ca và tổ trưởng…”
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đối số rất phù hợp trong công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện, góp phần thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, góp phần đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam./.
Mời nghe chương trình tại đây: