Những người lính bảo vệ bầu trời miền Bắc trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 nay đều đã lên chức "ông”. Thế nhưng ký ức về những năm tháng rèn luyện, chiến đấu để bảo vệ vùng trời thiêng liêng của tổ quốc vẫn vẹn nguyên. Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không, Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam không phải ngoại lệ. Ông cho biết, từ năm 1956, Nhà nước ta đã cử các học viên đi Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa để học lái máy bay, từ vận tải tới chiến đấu.
Năm 1972, khi diễn ra chiến dịch 12 ngày đêm, các thế hệ phi công được đào tạo tại các nước này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, bản thân ông rất tự hào. “Chúng ta đã làm nên lịch sử. Tôi còn nhớ những trận đánh kéo dài. Mỗi ngày, tôi cất cánh, hạ cánh ở mấy sân bay. Cứ cất cánh sân bay này, rồi hạ cánh sân bay khác, rồi lại cất cánh và đánh tiếp, chiều tối mới về đến nhà. Đêm hôm đi trực chiến, rút kinh nghiệm, ngày hôm sau lại đi trực chiến tiếp. Để đánh thắng một đối thủ mạnh thì một cá nhân không làm được, mà là công sức, trí tuệ của cả tập thể. Ở không quân có một câu nói rất hay, là lời Bác Hồ dạy “đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể”, cả một bộ máy hiệp đồng ở dưới lo cho mình. Có những phi công khiêm tốn, họ còn nói chúng tôi chỉ là những người ấn cò thôi. Tất nhiên không thể chỉ là ấn cò được, mà cũng phải xông vào đánh”, ông Soát chia sẻ.
Đại tá, phi công Nguyễn Thanh Quý, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân, cũng rất tự hào khi nhắc tới lực lượng phòng không, không quân của quân đội ta nói chung và chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 riêng. Ông cho biết, có những phi công Việt Nam mới vài trăm giờ bay, nhiều người lần đầu ra trận với chiếc máy bay lạc hậu, cũ kỹ. Thế nhưng, với tình yêu mãnh liệt dành cho tổ quốc, họ luôn sẵn sàng đương đầu với lực lượng không quân hùng mạnh và hiện đại bậc nhất trên thế giới. Sự kiên cường cùng bản lĩnh, họ đã chiến đấu và chiến thắng. Rất nhiều người trong số họ đã trở thành những huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam. “Thực tế đã chứng minh, họ là những phi công trưởng thành từ nông dân, từ những anh bộ đội đã kinh qua chiến đấu bộ binh, trình độ học vấn mới xong cộng trừ nhân chia mà làm chủ khoa học kỹ thuật. Trên một máy bay như thế mà họ vẫn chiến thắng, có thể kể đến những anh hùng như Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị, Phạm Thanh Ngân,… một loạt những cái tên khi nhắc đến chúng đều thấy đầy tự hào”, Đại tá Nguyễn Thanh Quý chia sẻ.
Những người lính phòng không không chỉ làm nên chiến thắng hiển hách mà còn tạo ra những huyền thoại mà bạn bè quốc tế cho đến bây giờ vẫn nhắc đến. Nghiên cứu về lịch sử không chiến của Việt Nam, cựu chiến binh, phi công Nguyễn Sỹ Hưng cho biết, có những người bạn từ Mỹ, khi tìm hiểu về những sự kiện trong lịch sử không chiến tại Việt Nam, cũng phải thốt lên những lời khen ngợi với các cựu chiến binh, phi công Việt Nam. “Ông Richard Berry là một người bạn của ông Cordova – người từng lái máy bay chiến đấu tại Việt Nam năm 1972. Sau khi tìm hiểu và biết ông Soát dùng 6 quả tên lửa bắn rơi 6 máy bay đối phương, xác suất gần như tuyệt đối thì ông bái phục. Trong khi tên lửa của Mỹ chỉ hiệu quả 1/10. Như thế, phải nói phi công mình là thiện xạ. Những cựu phi công Mỹ khi sang Việt Nam, tìm hiểu và biết như thế, họ cũng có cái nhìn về Việt Nam khác hẳn. Họ thấy người Việt Nam mình rất niềm nở, bao dung, đang làm mọi cách để hai bên xích lại gần nhau hơn”, ông Hưng cho biết.
Chiến tranh đã lùi xa, những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc đã đi vào lịch sử. Hình ảnh các biên đội Mig mở mặt trận trên không thắng lợi và hình ảnh những chiếc B52 “bất khả xâm phạm” bùng cháy trên bầu trời Hà Nội vào mùa đông năm 1972 đã làm rung động hàng triệu trái tim yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Chiến thắng đó là minh chứng cho tài năng và lòng dũng cảm của thế hệ các phi công Việt Nam - những con người đã làm nên huyền thoại.