Cậu bé đánh giày và nỗi lo phải nghỉ học giữa chừng

Nguyễn Văn Phúc là con út trong gia đình có 5 chị em ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Thay vì được chiều chuộng, ngay từ nhỏ em đã chịu nhiều thiệt thòi bởi gia cảnh nghèo khó. “Nhà em có 5 chị em. Em là con út. Mình em là con trai. Bố em là thương binh nặng. Năm 2001, bố em mất. Khi đó, gia đình em gần như kiệt quệ về kinh tế, thậm chí nợ nần nhiều. Các chị của em lần lượt phải nghỉ học vì mẹ làm nông nghiệp vốn không đủ ăn, lại còn phải vay mượn để chữa trị cho bố”, anh Phúc nhớ lại.

Khác với nhiều đứa trẻ khi rơi vào cảnh ngộ đó - thường là bỏ học để lo chuyện “cơm áo”, cậu bé Phúc tìm mọi cách để được đến trường. “Khi đó, em học trường làng nên không áp lực. Em chỉ học một buổi, một buổi còn lại em đi đánh giày. Em còn nhớ hai chị em có chung một cái xe đạp. Cứ 3h sáng, chị cả đạp xe chở em ra ngoài đường lớn, cách nhà hơn 1 km để em bắt xe lên Hà Nội đánh giày. Khi bắt xe lên thành phố, có 2 cách để em không phải mất tiền xe. Cách thứ nhất là đánh giày cho lái xe; cách thứ 2 là phụ xe. Đánh giày cho lái xe thì nhiều người tranh nhau rồi, em chỉ còn cách phụ xe, thường xuyên phải bê xe đạp của người dân đưa cao quá đầu mình để chủ xe chằng lên nóc. Chị em, sau khi đưa em ra đường bắt xe thì đạp xe quay lại, đi thêm 3-4 km nữa để lấy thịt về bán. Giai đoạn đó phải nói rằng nhà em quá khó khăn. Nếu không đi đánh giày thì em không được đi học”, anh Phúc kể.

Cứ như vậy, bằng công việc đánh giày, cậu bé Phúc đã cùng với các chị giúp mẹ vượt qua giai đoạn bần hàn. Hơn thế, em còn học hết Trung học phổ thông và sau đó hiện thực hóa giấc mơ học đại học cũng với việc đánh giày. “Hết Trung học phổ thông, em lên Hà Nội vừa đi đánh giày kiếm sống vừa ôn thi đại học. Em ôn thi vào Học viện báo chí. Đến khi em đỗ và theo học đại học em vẫn đi đánh giày. Các bạn trong lớp, thậm chí cả thầy cô cũng biết em đi đánh giày. Nhiều người hỏi em có xấu hổ, có tự ti không? Thực sự thì em không cảm thấy việc đấy thấp hèn. Em còn tự hào về điều đó”, Phúc chia sẻ.

“Nghiệp” đánh giày và “điểm tựa” cho trẻ đường phố

Từ khi ngồi trên ghế giảng đường, Nguyễn Văn Phúc đã tích cực cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam. Rồi khi tốt nghiệp, anh trở thành biên tập viên của kênh VTV6. Nhưng không lâu sau đó, như một “cái nghiệp” anh quay lại với công việc như một người đánh giày. Chỉ khác, lần này anh không làm việc trên vỉa hè.

Nơi đó là Bệnh viện đồ da, nằm trong một con ngõ trên phố Bằng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chuyên sửa chữa, làm mới đồ dùng cá nhân, gia dụng, nội thất…được làm từ da. Đồng hành với Nguyễn Văn Phúc - người mở ra dịch vụ này là những người anh em có hoàn cảnh rất đặc biệt. Nguyễn Viết Chiến, quê ở Thanh Hóa là một trong số đó. “Gia đình khó khăn. Khi em đang học lớp 11 bố em bị suy thận. Nhà có bao nhiêu tiền đều dồn vào việc chữa bệnh cho bố. Chị của em lại học đại học trên Hà Nội nên em phải nghỉ học đi làm kiếm tiền để phụ giúp mẹ. Khi đó em 17 tuổi. Lên Hà Nội, em không biết làm gì nên đi đánh giày”, Chiến kể.

Từ một cậu bé đánh giày đường phố ngày nào, công việc bấp bênh, giờ đây Chiến đã là “thợ cứng” trong nghề sửa chữa đồ da. Thu nhập có những tháng lên tới cả chục triệu đồng. Cuối năm, Chiến còn được nhận tháng lương thứ 13. Đó là điều em chưa từng nghĩ tới. Tuy nhiên, đó không phải lý do khiến em muốn gắn bó và hết mình vì sự phát triển của Bệnh viện đồ da. “Em làm việc với anh Phúc đến nay là 6 năm rồi. Ở đây anh xem nhau như anh em trong nhà, có công việc gì thì đều chia sẻ với nhau. Chẳng hạn, ở quê, gia đình em có việc gì thì anh Phúc cũng về như người anh, chứ không phải chủ tớ”, Chiến tâm sự.

Tương tự, bố mất sớm, gia cảnh nghèo khó nên 17 tuổi, Nguyễn Văn Băng, quê ở Thanh Hóa đã phải nghỉ học giữa chừng để “lăn lộn” với đời. Cứ nay đây mai đó, có việc gì kiếm được tiền em đều nhận làm. “Năm 2007 em đặt chân ra Hà Nội. Khi đó em mới học đến lớp 11 vì gia đình có một biến cố. Em không đi học nữa mà đi làm. Em làm nhiều việc, từ xách vữa, thợ xây, thợ đá ốp lát, nhôm kính, cơ khí cho đến đa cấp. Công việc nào em cũng chỉ làm được một thời gian ngắn vì thu nhập thấp quá”, Băng kể.

Trong lúc loay hoay, bươn trải Băng may mắn được giới thiệu vào Bệnh viện đồ da. Tại đây, không chỉ có được công việc phù hợp, thu nhập tốt, Băng còn thấy mình như được ở trong một gia đình đầm ấm và yêu thương. “Tại Bệnh viện đồ da, anh em đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn nên có sự đồng cảm, thấu hiểu nhau. Như anh Phúc, anh ấy sống không đơn thuần là người chủ mà như anh em trong nhà. Anh em chúng em vì thế đều cảm thấy ấm áp. Mặc dù em đi làm cũng vì mục đích kinh tế nhưng ở đây đong đầy tình người, chứ không phải là tôi làm việc cho anh, anh trả tiền cho tôi”, Băng tâm sự.

Không chỉ riêng Băng hay Chiến, có lẽ vì những điểm tương đồng về xuất phát điểm nên tại Bệnh viện đồ da, toàn bộ nhân công đều thấy nơi đây như một gia đình, là điểm tựa để cùng nhau vươn lên.

Thay đổi "cái nhìn" của xã hội về công việc đánh giày

Chia sẻ với phóng viên VOV2, Nguyễn Văn Phúc - người mở ra dịch vụ chăm sóc đồ da cho biết, bản thân cũng chưa khi nào nghĩ mình là ông chủ. Việc anh lựa chọn người đồng hành có cảnh ngộ đặc biệt là vì lý do riêng. “Chính bản thân em từng là đứa đánh giày đường phố. Em cũng mồ côi cha từ sớm. Có lẽ vì thế nên em có sự đồng cảm nhất định với những người làm công việc này. Em nhớ khi em đi đánh giày, em thấy cuộc sống đường phố gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Đây cũng là nhóm người ít được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội, ít được giúp đỡ và ít được bảo vệ. Đó là một trong những lý do khi em mở ra dịch vụ này vào năm 2018, em đưa các bạn đánh giày về làm cùng”, Phúc tâm sự.

Sâu xa hơn, Nguyễn Văn Phúc còn muốn thay đổi cách nhìn của xã hội về những người làm công việc đánh giày. Đây cũng là cách để anh tri ân cái nghề đã giúp anh vượt qua những tháng ngày cơ cực và hiện thực hóa ước mơ được đến trường. “Em thấy trong suy nghĩ của cộng đồng, người đánh giày thường là lem luốc, ít học. Em muốn thay đổi nhận thức của xã hội về điều này. Trước tiên là thay đổi suy nghĩ của chính các bạn đang làm công việc này ở Bệnh viện đồ da. Chính các bạn ấy trước khi đến đây làm với em, các bạn đều tự ti, ngại giao tiếp và thường đặt mình thấp kém hơn người khác trong các cuộc giao tiếp. Vào đây, em trang bị cho các bạn ấy kiến thức, kỹ năng để các bạn ấy tự tin và luôn cảm thấy mình là những lao động có kỹ năng, tạo ra giá trị cho xã hội. Đây cũng là cách em muốn tri ân công việc đã thay đổi cuộc đời em. Vẫn là công việc như đánh giày nhưng giờ đây nó ở cầm cao mới. Chúng em chăm sóc đồ da theo quy trình của Anh, của Pháp. Chúng em làm công việc của người đánh giày nhưng nó ở vị thế khác, tầm vóc khác”, anh Phúc chia sẻ.

Khoa học đã chứng minh lòng biết ơn là một phần quan trọng trong việc phát triển tư duy. Nó truyền cảm hứng cho sự sáng tạo, giúp con người vượt qua mọi rào cản để đạt được mục tiêu đặt ra. Câu chuyện về anh Nguyễn Văn Phúc và cách anh tri ân công việc đánh giày là một minh chứng. Hãy sống với lòng biết ơn để cuộc đời luôn đong đầy ý nghĩa.

Nghe bài viết dưới đây: