Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày đã chỉ rõ những khó khăn của nền KT-XH trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản.

Báo cáo do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đang tích cực tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn đang được triển khai mạnh mẽ.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực.

Đất nước tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn; các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống dịch chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời; sự quản lý, giám sát của một số cấp chính quyền có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động; trong khi ý thức chấp hành và việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch hiện nay. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên.

“Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào... tăng cao. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực cải thiện còn chậm. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực cần được đẩy mạnh hơn nữa.” - Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Nhiệm vụ hoàn thành KT-XH 6 tháng cuối năm là rất nặng nề nhưng tuyệt đối không để người dân thiếu ăn

Trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ sẽ theo dõi sát sao diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Tăng cường quản lý thị trường, giá cả; bảo đảm lưu thông hàng hóa và nhu yếu phẩm, dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người dân vùng dịch. Theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế; kịp thời đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp bình ổn giá cả.

Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.

Đồng thời, xây dựng các kịch bản, thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp” bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn.