Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Công tác kiểm soát hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt.

Các đơn vị chức năng dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Xin đơn cử như ứng dụng phần mềm SMART - bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều địa phương, đặc biệt là các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia sử dụng và triển khai trong công tác tuần tra, ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn. Những dữ liệu này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình xây dựng các quy định và đưa các quyết sách phù hợp nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn. Đối với nước ta, việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại vào quản lý bảo vệ rừng đã và đang được thí điểm ở một số nơi và bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực ở những khu bảo tồn thiên nhiên như Nam Nung (Đắk Nông), Hang Kia – Pà Cò (Hoà Bình), Xuân Liên (Thanh Hóa)….

Ông Phạm Trọng Thuỷ, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, khu bảo tồn có diện tích gần 22.000 ha và hơn 120 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong khi lực lượng hạn chế, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã áp dụng công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái, ứng dụng trên điện thoại thông minh… để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. “Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, giảm thời gian tuần tra, bảo vệ, địa bàn theo dõi rộng hơn. Hạn chế các tác động đến các loài động, thực vật quý hiếm, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng”, ông Phạm Trọng Thuỷ khẳng định.

“Smart mobile Nam Nung” là ứng dụng dựa trên định vị vệ tinh nên có thể hoạt động ở hầu hết các điều kiện thời tiết, địa hình, rất phù hợp với hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Những dữ liệu, hình ảnh ghi nhận trong quá trình tuần tra về đa dạng sinh học, về động, thực vật quý hiếm hay về khai thác gỗ trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… được tự động chuyển về máy chủ ở cơ quan khi có sóng điện thoại. Dựa trên những dữ liệu, hình ảnh do tổ, đội tuần tra cung cấp, lãnh đạo đơn vị có thể nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp với các tình huống phát sinh trong thực tế. Ông Nông Văn Sức - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 8, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, ứng dụng này là dùng chung cho các trạm chốt trong khu bảo tồn. Ứng dụng này vừa giám sát vừa làm cho công việc được cải thiện. Ông Nông Văn Sức khẳng định: “mình không cần phải ghi vào giấy mà lưu trên máy luôn. Quản lý được anh em trong trạm có thực hiện nhiệm vụ hay không, tại vì có dữ liệu, hình ảnh trên đó, muốn xoá, muốn tẩy, muốn ghép không được”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã giúp các đơn vị chức năng dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Theo ông Sùng A Vàng, Phó trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò (tỉnh Hòa Bình), từ khi ứng dụng chuyển đổi số, công tác bảo vệ rừng rất thuận lợi. “Trên bản đồ của các anh, mỗi điện thoại là một công cụ hỗ trợ cho các anh đi tuần tra, kiểm tra rừng. Về cán bộ kỹ thuật lại đổ vào máy vi tính, mở ra thì đây là mình đang quản lý ở đây để tuyên truyền. Có cái này rất thuận cho anh em khi cập nhật và lưu trữ các dữ liệu”, ông Sùng A Vàng chia sẻ.

Việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, giúp cho rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích lẫn chất lượng. Qua đó, phát huy tốt vai trò chuyển đổi số trong việc việc bảo tồn đa dạng sinh học và phù hợp với xu thế phát triển của quốc gia./.