Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn họ sẽ cần rất nhiều vốn nên cơ chế tài chính xanh là điều cần thiết để hỗ trợ khi chuyển đổi.
Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam về phát triển bền vững. Trong đó, việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi. Cùng với đó là khung khổ pháp lý phù hợp liên quan đến quyền tài sản, thế chấp và tài sản đảm bảo cũng như khuyến khích tài chính và tài khóa cho sáng tạo… Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về tài chính, khi đó tài chính xanh là điều tất yếu.
Phát triển kinh tế tuần hoàn bằng việc ứng dụng những công nghệ xanh thân thiện với môi trường của người dân và các doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã và đang đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, với những công nghệ xanh từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo cơ hội để cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về công nghệ xanh và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng xanh của người dân trong nước. Ông Nguyễn Đức Thuận, hội các nhà quản trị Việt Nam phân tích, để bảo vệ môi trường thì việc đầu tiên là bảo vệ và phát triển chính doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ xanh trong sản xuất.
Việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sản xuất xanh của các nhà khoa học trong nước cũng như các doanh nghiệp đã tạo ra những công nghệ thiết thực và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Điều này cũng đang giúp các doanh nghiệp trong nước thay đổi nhận thức và cách sản xuất theo hướng xanh và sạch hơn. Theo ông Nguyễn Huy Hùng, giám đốc công ty cổ phần Thương mại Xanh phát triển kinh tế tuần hoàn phải là một trọng tâm trong tăng trưởng xanh, trong quá trình sản xuất, chính doanh nghiệp cần tạo ra sự tuần hoàn cho sự phát triển trong chuỗi sản xuất. Điều đó sẽ tạo ra vòng tuần hoàn để đầu ra của doanh nghiệp này thành đầu vào của doanh nghiệp kia.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong nước có ý tưởng, có dự án sáng tạo nhưng lại không đủ tiềm lực tài chính để thực hiện. Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh công nghệ xanh trên thế giới hiện nay cho thấy để phát triển hiệu quả đều có sự tài trợ và tham gia của Nhà nước vào các dự án lớn, kể cả nghiên cứu hay ứng dụng. Theo chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững, việc thay đổi để phát triển bền vững là điều cần thiết. Cách đây hai thập kỷ chúng ta nói đến phát triển bền vững nặng về bảo vệ môi trường nhưng ngày nay phát triển bền vững là cách tiếp cận bao trùm và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì thế, kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải nhanh bài toán phát triển kinh tế nhanh gắn với bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều công nghệ xanh được ứng dụng đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho cuộc sống và môi trường. Việc phát triển công nghệ sản xuất xanh không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đó các doanh nghiệp đã và đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững không chỉ riêng trong doanh nghiệp mình mà còn nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, các đối tác liên quan trong chuỗi giá trị của mình để tạo nên một hệ sinh thái phát triển xanh bền vững./.