Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước với mục tiêu góp phần nâng cao đời sống, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không vì lợi nhuận. Nhưng thực tế cho thấy, đa phần người dân vẫn đang băn khoăn, lưỡng lự bởi một số quy định khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn.

Được ví như “của để dành” khi về già, nhưng đến nay số người tham gia chính sách này trên thực tế còn rất thấp. Thu nhập của gia đình chị Phan Thị Liễu ở xã Phú Đông, huyện Ba Vì, TP Hà Nội chỉ dựa vào mảnh ruộng ông bà để lại. Hàng ngày phải chắt chiu từng đồng để lo cho cuộc sống sinh hoạt khiến chị Liễu lo lắng không biết liệu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có theo được lâu dài không:

“Tôi cũng nghe về bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều rồi, nhưng vẫn còn băn khoăn xem vì tuổi mình nhiều rồi, cũng nhiều thứ phải lo toan, từ chuyện học hành của con cái tới mọi sinh hoạt của gia đình...” - chị Liễu tâm sự.

Tính đến hết tháng 7 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm so với năm ngoái. Đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tất cả các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm so với năm 2021, mới đạt 58,4% so với kế hoạch năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm 150.000 người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ (giảm khoảng 1/3).

Nhiều người dân làm việc tự do cũng mong muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai nhưng còn nhiều băn khoăn. Không ít người cho rằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn dài (20 năm), lại không có chế độ ốm đau, thai sản, nên chưa thu hút được lao động trẻ, nhất là lao động nữ. Đáng nói, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, khiến một số người dù muốn, cũng không đủ khả năng để theo đuổi trong thời gian dài.

Với gia đình bà Lê Thị Hảo ở Việt Trì, Phú Thọ thì mức đóng hàng tháng như vậy cũng khiến bà phải khéo thu xếp mới đáp ứng được.

Bà Hảo mong muốn “Tôi mong có chính sách đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo 6 tháng hoặc 1 năm, vì chúng tôi ở nông thôn chỉ khi bán một ổ lợn hoặc một con trâu thì mới có 1 khoản tiền đóng vào. Thời gian đóng linh hoạt như thế sẽ tạo điều kiện cho nhiều người dân tham gia hơn”.

Với người dân ở khu vực nông thôn, thu nhập bấp bênh, chưa kể tình hình dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm khiến thu nhập của bà con sụt giảm nghiêm trọng. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của anh Lương Minh Hoàng ở Hưng Yên khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Mọi người dân từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để được hưởng lương hưu hằng tháng khi có đủ 20 năm tham gia. Việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện, với mục đích giúp những người lao động tự do có khoản hưu trí sau khi hết tuổi lao động, ổn định cuộc sống và không phụ thuộc vào con cháu.

Dù mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhưng việc khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng, không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp Sở Y tế, từ nay đến cuối năm 2022, toàn ngành phải phát triển gần 950 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để hoàn thành kế hoạch đặt ra, các cơ quan Bảo hiểm xã hội cần nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; đảm bảo giải quyết các chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đầy đủ, kịp thời.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành ở địa phương… Bà Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, bảo hiểm xã hội TP.HCM đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ hơn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện,

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần xác định việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Và điều quan trọng là mỗi người lao động tự do cần nhận thức rõ những quyền lợi từ bảo hiểm xã hội tự nguyện để có cuộc sống tuổi già sống vui, sống khỏe, tự chủ về tài chính, giảm bớt gánh nặng cho con cháu./.