Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/7, giá xăng tiếp tục giảm mạnh tới 3.600 đồng mỗi lít. Điều này khiến người dân kỳ vọng giá hàng hóa “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, sau một tuần giảm giá xăng, giá thực phẩm ở các chợ truyền thống như rau củ, cá, thịt vẫn neo cao. “Lúc giá xăng dầu tăng thì người bán kiếm cớ tăng giá, nay giá xăng dầu giảm nhưng vẫn chưa thấy giảm giá bán hàng hóa”, một người tiêu dùng ở phường Lương Đình Của, Quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên VOV2 tại chợ Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội cho thấy, giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao, trong đó rau xanh và thịt lợn còn tăng hơn so với thời điểm đầu tháng 7.
Một người kinh doanh rau quả tại chợ Kim Liên cho biết, dù giá xăng vừa giảm nhưng khi nhập hàng vào giá vẫn giữ nguyên, thậm chí còn cao hơn.
Cần có độ trễ để hạ nhiệt giá hàng hóa…
Vì sao giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng giá hàng hóa vẫn... chưa “hạ nhiệt”? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình cho rằng, để giá các hàng hóa tiêu dùng trên thị trường giảm bao giờ cũng cần một độ trễ nhất định so với thời điểm giảm giá xăng. Trên thực tế giá xăng không phải là thủ phạm duy nhất khiến hàng hóa, thực phẩm tăng giá. Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu sẽ chỉ chiếm khoảng 3,5 đến 3,6% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. TS Bình lấy ví dụ như mặt hàng sữa, thực tế có tới 60% nguyên liệu cho ngành sữa là phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa có thể giảm ngay trong 10 ngày theo kỳ điều hành xăng dầu.
“Giá xăng giảm liên tiếp trong các kỳ điều hành vừa qua chỉ tạm thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, góp phần ngăn chặn đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng... chứ chưa thể giúp doanh nghiệp trở về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để hạ nhiệt giá hàng hóa tiêu dùng”, TS Lê Duy Bình phân tích.
Trên thực tế một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá xăng tăng mạnh nhưng tác động của nó tới giá hàng hóa tiêu dùng, chỉ số CPI không thể nhanh và lớn như thời gian vừa. Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá 50-100% là quá nhiều. Trong khi sức mua của người dân không cao, hàng hóa đang rất dồi dào, không hề khan hiếm mà lại tăng “sốc” và liên tục như vậy là điều cần xem xét lại. Phải chăng điều này cũng không loại trừ việc người bán tăng giá theo giá xăng, kiểu “té nước theo mưa”? TS Lê Duy Bình cho rằng, hiện tượng lợi dụng giá xăng để “té nước theo mưa” là có, nhưng để khẳng định toàn bộ nền kinh tế đều “té nước theo mưa” là không thể. Các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đang gặp sức ép rất lớn về sự tăng giá của nguyên nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với giá xăng tăng liên tục. Việc chưa thể “hạ nhiệt” giá hàng hóa là điều mà các doanh nghiệp cũng không mong muốn.
“Các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực rất lớn để tìm cách để giữ mức giá để có thể bán được sản phẩm. Như vậy không thể nói hoàn toàn các mặt hàng đều là té nước theo mưa. Điều này phải công bằng đối với các doanh nghiệp, họ đang phải chịu áp lực rất lớn”. Cũng theo TS Lê Duy Bình, cơ quan quản lý giá dù rất quan trọng nhưng không nên kỳ vọng cơ quan này sẽ đóng vai trò kiểm soát toàn bộ giá trên thị trường. Những mặt hàng mặt hàng chiến lược như xăng dầu hoặc một số mặt hàng như gạo, những mặt hàng liên quan đến dịch vụ cơ bản của người dân thì cơ quan quản lý thị trường cần phải đóng vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan này không nên đóng vai trò kiểm soát toàn bộ tất cả các mặt hàng mà nên để cho thị trường tự quyết định mức giá. Mặt hàng nào tăng giá một cách đột biến, không phản ánh đúng bản chất của thị trường, khi đó cơ quan quản lý giá mới nên vào cuộc.
Dự báo về diễn biến của giá cả hàng hóa tiêu dùng trong thời gian tới, TS Lê Duy Bình cho rằng, áp lực về giá vẫn sẽ rất mạnh mẽ. Những biến động của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục có áp lực rất lớn của việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu. Việt Nam là một nền kinh tế phải phụ thuộc đến 36% trong tổng chi phí sản xuất đối với việc nhập nguyên nhiên, vật liệu từ bên ngoài. Bởi vậy để giảm bớt áp lực này, cần sự chủ động từ sản xuất trong nước, chẳng hạn như lúa gạo, thịt lợn hoặc một số mặt hàng thủy hải sản. Đó là những dư địa để hy vọng hỗ trợ giảm bớt áp lực đối với giá cả. Bên cạnh đó việc giảm giá một số mặt hàng như xăng dầu và đặc biệt là đảm bảo nguồn cung của mặt hàng thiết yếu thì khi đó sẽ đóng góp quan trọng vào kiểm soát được giá cả, tránh tình trạng tăng giá đột biến trong những tháng cuối năm.
Giải pháp kìm đà tăng giá…
Trong bối cảnh hiện tại, với tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường quốc tế chưa giảm nhiệt, chi phí vận chuyển quốc tế không giảm... thì khó kỳ vọng giá hàng hóa giảm tương ứng với mức giảm giá xăng dầu. Bài toán hiện tại là làm sao kìm được đà tăng giá, giữ giá hàng hóa không tăng nhanh, tăng mạnh cùng áp lực lạm phát rất lớn trong thời gian tới?
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thời gian tới, lạm phát có thể tăng cao, nhất là giai đoạn cuối năm. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc nỗ lực kìm giá hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu.
Hiện tại, các hệ thống bán lẻ đã cho thấy vai trò khi bảo đảm nguồn hàng hóa dồi dào, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, nhất là với hàng hóa thiết yếu, phần nào giảm áp lực lên chi tiêu, sinh hoạt của người dân.
Chia sẻ với PV VOV2, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh Saigon Co.op cho biết, trong bối cảnh nhiều nhóm hàng hoá thiết yếu tăng giá thì Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM Saigon Co.op lại thực hiện giảm giá mạnh nhiều nhóm mặt hàng, nhằm mục tiêu hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và tăng kích cầu sức mua.
Theo TS Lê Duy Bình, đối với Việt Nam thì chi phí đẩy hiện là một nguyên nhân rất quan trọng khiến các mặt hàng tăng giá thời gian vừa qua. Do việc cần làm là phải đảm bảo nguồn cung trong nước, đặc biệt đối với những mặt hàng có liên quan đến cuộc sống hằng ngày, như lương thực thực phẩm và một số mặt hàng khác. Đây là một yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, nhà làm chính sách cần có cái nhìn thoáng hơn để đưa ra những quyết sách phù hợp. Trong lúc doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực về chi phí, người dân nặng gánh chi tiêu, nhà nước nên xem xét miễn tất cả các loại thuế, phí đánh trên mặt hàng xăng dầu để kéo giá xăng xuống thấp nhằm kích thích cầu tiêu dùng, tạo động lực cho kinh tế phát triển.
Trước đề xuất tại thời điểm hiện nay, nên chọn những mặt hàng có biến động mạnh để đưa ra mức giá trần như: xăng dầu, thịt lợn, thịt bò…Mức giá trần như một công cụ để kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến giá mạnh. Nêu quan điểm về giải pháp này TS Lê Duy Bình cho rằng giá trần không phải là một biện pháp tốt để kiểm soát giá cả trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Bình chỉ nên áp dụng các chính sách tài khóa, chính sách thuế, chính sách tài chính, tiền tệ để điều chỉnh thị trường.
“Biện pháp áp dụng mức giá trần chỉ có thể mang lại những kết quả ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ không đảm bảo được lợi ích tích cực cho quá trình vận hành của nền kinh tế, đặc biệt là trong công tác kiểm soát về giá cả”, ông Bình khẳng định.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương với báo chí, từ nay tới cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…