Ngày nay, từ nhỏ, trẻ đã có thể tiếp xúc với các nội dung giải trí trên các trang mạng, đặc biệt là YouTube hay Tiktok. Tuy nhiên, nội dung trên các nền tảng này rất đa dạng và có đầy rẫy những clip không lành mạnh, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, thậm chí tử vong khi bắt chước và làm theo.

Mới đây nhất, Thơ Nguyễn - một YouTuber chuyên làm clip cho trẻ em đã gây xôn xao khi đăng một đoạn clip trên Tiktok với nội dung cho búp bê (giống búp bê Kuman Thong) uống nước ngọt để xin vía học giỏi. Ngay lập tức, cộng đồng mạng, nhất là các bậc phụ huynh đã phản ứng dữ dội vì cho rằng YouTuber này đang truyền tải nội dung có yếu tố mê tín dị đoan, “đầu độc” trẻ bởi những suy nghĩ hết sức tiêu cực.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên mà rất nhiều các video trước đó của Thơ Nguyễn bị cho là mang nội dung phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm nếu trẻ nhỏ bắt chước theo. Trong đó có thể kể đến những nội dung như "Thí nghiệm đun lon nước và cái kết"... hay "thử thách cán tất cả mọi thứ dưới bánh xe ô tô"; "thử cho đá khô vào chai nước kín"…

Có thể nói, các video clip của Thơ Nguyễn đã đánh trúng tâm lý của trẻ nhỏ là tò mò, thích khám phá những điều mới lạ. Tuy nhiên, theo TS Phạm Hải Chung, viện Đào tạo Báo chí và Tuyên truyền, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội thì sẽ vô cùng nguy hại khi trẻ nhỏ học và bắt trước những video, clip như vậy.

Theo phân tích của luật sư, đối với trường hợp Thơ Nguyễn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng về cung cấp thông tin mê tín dị đoan trên mạng xã hội, đồng thời buộc phải gỡ bỏ video sai phạm này. Trong trường hợp tái phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề nghê tín dị đoan (theo điều 320 Bộ Luật Hình sự năm 2015). Khi đó khung hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Điều đó cho thấy chúng ta đã có luật, có những quy định rất rõ ràng về các khung hình phạt cho tội danh này nhưng thực tế là vi phạm vẫn xảy ra, bởi theo phân tích của TS Phạm Hải Chung, vì lợi nhuận mà nhiều YouTuber sẵn sàng làm mọi chuyện để câu view, bất chấp khung hình phạt.

Có thể nói việc định hướng, “lọc” thông tin trên mạng xã hội (nhất là với trẻ nhỏ) là vô cùng cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày một phát triển và những video, clip như của Thơ Nguyễn xuất hiện ngày càng tràn lan, thì đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ.

TS Phạm Hải Chung cho rằng: các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các video, clip trước khi cho đăng tải trên mạng xã hội. Bên cạnh đó cha mẹ phải là những người hướng dẫn, định hướng cho con sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, thông minh và hiệu quả.

Câu chuyện YouTube Thơ Nguyễn thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo từ các clip “rác” trên mạng xã hội. Vì thế, hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần dành cho con nhiều thời gian hơn nữa, giúp con chọn lọc, tiếp cận với những nội dung hấp dẫn, bổ ích trên mạng.

Gia đình chính là vỏ bọc vững chắc đầu tiên giúp con trẻ tránh “rác văn hóa” trên không gian số.