Hôm nay (26/4), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Dự thảo Chiến lược được xây dựng với mục tiêu tích cực tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đồng thời tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:
“Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào 2020, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Dự thảo Chiến lược được xây dựng với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thể hiện lộ trình để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương từ khi xây dựng đề cương Chiến lược, khảo sát 63 địa phương và thực hiện phỏng vấn sâu 20 tỉnh, thành phố. Cho đến nay, dự thảo Chiến lược cũng đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trên cả nước, tham vấn các nhà khoa học…
Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”.
Những cam kết mạnh mẽ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cần được xây dựng nhằm cập nhật những xu thế mới của quốc tế cũng như định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện Thỏa thuận Paris, các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng Chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu sẽ tạo nền tảng rộng rãi và vững chắc cho các kế hoạch và chính sách khí hậu quan trọng khác, chẳng hạn như Kế hoạch phát triển điện số 8 (PDP8 ) và Kế hoạch Tổng thể về Phát triển Năng lượng, cập nhật các Đóng góp do Quốc gia xác định (NDC), Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP) và Chiến lược Tăng trưởng Xanh."
Bà Caitlin khuyến nghị rằng "Xây dựng luật biến đổi khí hậu nhất quán và đẩy nhanh các biện pháp thích ứng là trọng tâm để để tăng cường khả năng chống chịu cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với người dân và cộng đồng đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều quan trọng không kém là thiết lập lộ trình chuyển đổi xanh và công bằng, có các cơ chế chính sách minh bạch để theo dõi các dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án và chương trình đầu tư xanh".
Ông Weert Börner, Đại diện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội chia sẻ: “Với việc hoàn thành Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu. Dự thảo Chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng và đầy thách thức nhưng khả thi. Dự thảo Chiến lược đóng góp một phần cực kỳ quan trọng vào cuộc tranh luận quốc gia về cam kết phát thải ròng bằng “0” và những cuộc tranh luận này vẫn cần được tiếp tục sau khi Chiến lược được phê duyệt vào năm 2022 bởi Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Weert Börner khẳng định: “Chính phủ Đức quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng “0” theo hướng công bằng và bền vững.”
Dự thảo chiến lược quốc gia này cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như:
Về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững bao gồm: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; phát triển nông nghiệp thông minh bền vững và bảo đảm an ninh lương thực; bảo vệ rừng và các hệ sinh thái; phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; y tế và sức khỏe; bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu bao gồm: dự báo và cảnh báo sớm; phát triển các công trình phòng chống thiên tai; di dời dân ở khu vực có rủi ro cao, các khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Về giảm phát thải khí nhà kính bao gồm các nhiệm vụ chung và giảm phát thải khí nhà kính theo các lĩnh vực cụ thể gồm: năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp.
Về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu bao gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu trước năm 2030; truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ngoại giao khí hậu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tham dự hội thảo gồm đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ xây dựng, Bộ y tế, Bộ khoa học và công nghệ, Bộ tư pháp, Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ giáo dục và đào tạo, Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, và các Đại sứ quán, các đối tác phát triển./.