Nhìn lại năm 2020, một năm vô cùng đặc biệt. Ngay từ đầu năm, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường và kéo dài trong nhiều tháng. Sau đó là thảm họa thiên tai... liên tiếp xảy ra, nhất là trong những tháng cuối năm ở miền trung làm cho khó khăn chồng chất khó khăn. Thách thức dẫu không thể kể hết, những đổi lại là những cơ hội để người việt được thể hiện thực lực, khả năng của chính mình để tạo đà cho sự bứt phá.

Và khi năm 2020 khép lại, Việt Nam có quyền tự hào khi là số ít các quốc gia kể được câu chuyện về kỳ tích tăng trưởng trong “giông bão” với GDP tăng 2,91%; xuất siêu mức cao nhất trong 5 năm. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên cả nước giảm còn dưới 3% vào cuối năm.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế năm 2020, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, xét bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là điểm đáng ca ngợi, nhất là về sự chống chịu, sức bền bỉ và cách thức ứng phó trong đại dịch COVID-19.

“Chúng ta đã vượt giông bão một cách rất ngoạn mục để tạo dấu ấn cho năm 2020. Khoảng đầu năm Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có trích dẫn một câu trong báo cáo của Ngân hàng thế giới của World Bank khi đánh giá kinh tế Việt Nam “Mây đen phủ kín toàn cầu, Mặt trời rực rỡ trên đầu Việt Nam”. Và giờ đây với những kỳ tích Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, càng minh chứng rõ nét cho ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam” TS Vũ Đình Ánh khẳng định.

Còn nói như bà Nguyễn Thu Giang, Giám đốc Quỹ Vòng tay nhân ái, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe, cộng đồng ánh sáng, một chuyên gia về sức khỏe và an sinh xã hội: Trong những thời khắc khó khăn nhất, năm 2020 vẫn có những điểm sáng lấp lánh với một loạt dấu ấn giúp cái tên Việt Nam một lần nữa khiến cả thế giới biết đến. Mỗi người dân Việt Nam có quyền tự hào về điều đó.

“Có lẽ hiếm có một quốc gia nào khi mà kinh tế chồng chất những khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn luôn chú trọng, quan tâm đến an sinh xã hội với mức chi bình quân khoảng 21%- cao nhất khu vực ASEAN. Niềm tin của nhân dân về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tăng từ 58% lên 68%- đứng thứ 4 trong 32 chỉ tiêu khảo sát đánh giá”, bà Thu Giang nhấn mạnh.

Năm mới 2021 đã bắt đầu, hành trình phía trước vẫn còn nhiều thách thức, chông gai, song chúng ta có quyền hy vọng khi kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V. Và như nhận định của ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới WB, “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”, khẳng định mức độ chống chịu của kinh tế Việt Nam. Hơn 97 triệu dân Việt Nam sẽ cùng chờ đón một năm 2021 tưng bừng hơn, nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công hơn.